Theo Tổng cục Hải quan, ước xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 sẽ đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý 1/2022.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết tính đến giữa tháng 3, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính quý I/2023, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022.
Riêng tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24,5% so với tháng 3/2022. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn giảm 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất với 39%; cá tra giảm 23%; cá ngừ giảm 33%; mực bạch tuộc giảm 8%. Ở chiều ngươc lại, xuất khẩu các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng dương 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý I, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40% so với quý I/2022; cá tra đạt 447 triệu USD, giảm 32%; cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD; mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ đạt 54 triệu USD. Riêng xuất khẩu các loài cá biển tăng nhẹ 3% đạt 435 triệu USD.
VASEP nhận định thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ và giá nhập khẩu giảm. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.
Dự báo về xu hướng xuất khẩu một số sản phẩm thủy sản, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.
Còn xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau COVID. Tương tự, xuất khẩu các loài cá biển, chả cá, nước mắm, đồ hộp và hàng khô (cá, tôm, mực) sẽ tăng.
Về thị trường xuất khẩu, VASEP dự báo Trung Quốc có thể trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất tiêu thụ của Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn. Còn xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.
Từ thực tế biến động thị trường, VASEP khuyến các doanh nghiệp thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ như với Trung Quốc, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch, bên cạnh những sản phẩm đông lạnh như trước đây.
Còn với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, VASEP quan tâm hơn đến những sản phẩm truyền thống của người châu Á đang hút khách như hàng khô, nước mắm, mắm ruốc…
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam