Quỹ ngoại Malaysia bất ngờ rót vốn vào ACB, nắm trên 1% vốn điều lệ
Danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ ACB được cập nhật mới đây xuất hiện một gương mặt quỹ ngoại đến từ Malaysia.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) mới đây vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tính đến 21/5.
Theo đó, sự xuất hiện duy nhất trong danh sách là cổ đông tổ chức Employees Provident Fund Board. Tổ chức này nắm giữ hơn 45,6 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,021% vốn điều lệ của ngân hàng.
Theo Bloomberg, Employees Provident Fund Board (EPF) hoạt động như một công ty quản lý quỹ,phục vụ khách hàng tại Malaysia. Công ty cung cấp quỹ hưu trí bắt buộc (retirement provident fund) và các dịch vụ tài chính khác.
Được thành lập vào năm 1951, EPF có nhiệm vụ chính là quản lý quỹ tiết kiệm bắt buộc và kế hoạch hưu trí cho người lao động khu vực tư nhân tại Malaysia. Thành viên của EPF là bắt buộc đối với công dân Malaysia làm việc trong khu vực tư nhân và tự nguyện đối với người lao động nước ngoài.
![]() |
Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng ACB (Nguồn: ACB) |
Trước đó vào tháng 5, ACB cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ khi hai người con của bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch CTCP Âu Lạc nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên 2,558% vốn điều lệ. Tính cả người liên quan, nhóm này hiện nắm hơn 7,8% vốn ngân hàng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, ACB đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả 2024. Tổng tài sản tăng 14% lên 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14% lên 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16% lên 673.596 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (cuối năm 2024 là 1,49%).
Về tình hình kinh doanh quý I/2025, ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận suy giảm là do hoạt động kinh doanh cốt lõi chững lại, cụ thể thu nhập lãi thuần giảm, trong khi nhiều mảng kinh doanh khác vẫn ghi nhận tăng trưởng.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của ACB đạt hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 27.670 tỷ đồng (tương đương 3,2%) so với cuối năm 2024. Trong đó, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng huy động vốn (gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) đạt hơn 664.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
>> Manulife và một cổ đông ngoại 'góp mặt' danh sách nắm trên 1% vốn điều lệ của MB
Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy lên kế hoạch mua lại 12.000 tỷ đồng trái phiếu
Chứng khoán FPT (FPTS) muốn vay ACB 2.000 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ký quỹ