'Quỹ nhà ở quốc gia sẽ điều tiết thị trường bất động sản về mặt vĩ mô'
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, khẳng định, chủ trương thành lập quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn là mang tính đột phá. Vì quỹ này sẽ điều tiết thị trường bất động sản về mặt vĩ mô, giá cả.
Nhà giá rẻ là phân khúc chủ đạo
Trong dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn vốn huy động khác.
![]() |
Nhà giá rẻ là phân khúc phải là phân khúc chủ đạo trên thị trường. |
Cụ thể, nguồn thu mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đóng tương đương giá trị quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, hoặc nguồn thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc tài sản công.
Đánh giá về tác động của vấn đề này với thị trường bất động sản, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNRea) cho rằng, việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và phát triển nhà giá rẻ là hợp lý.
Đây là một phân khúc quan trọng và mang tính chủ đạo, khi có nguồn cung mới đáp ứng được nhu cầu thực tế sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển cân đối hơn, đồng thời phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội.
“Sự chỉ đạo, định hướng khẩn trương, nghiêm túc của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ trong việc phát triển nhà giá rẻ, đặc biệt ở các đô thị lớn, giải quyết hiệu quả vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp”, TS Nguyễn Văn Khôi nói.
TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng Nhà nước cần đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập, điều phối và vận hành Quỹ nhà ở quốc gia, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Nếu được triển khai một cách bài bản, mô hình Quỹ nhà ở quốc gia có thể trở thành một giải pháp quan trọng giúp hàng triệu người dân tiếp cận nhà ở với giá hợp lý, đồng thời góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững - ông Thành cho biết thêm.
>>Bộ Xây dựng phản hồi về kiến nghị kết nối đường sắt tốc độ cao gần 10 tỷ USD tới TP. Cần Thơ
Thành lập quỹ nhà ở quốc gia là chủ trương mang tính đột phá
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - nêu vấn đề thị trường bất động sản phát triển lệch pha, thiếu hụt nghiêm trọng nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
Nên việc lập Quỹ nhà ở quốc gia lúc này là một giải pháp đột phá, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, người lao động thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân an cư.
![]() |
Thành lập quỹ nhà ở quốc gia là chủ trương mang tính đột phá. |
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định Quỹ nhà ở quốc gia cần huy động nguồn lực từ nhiều kênh, không chỉ nguồn lực từ Nhà nước mà cần có sự chung tay của người lao động thông qua việc đóng góp một phần nhỏ từ tiền lương vào Quỹ nhà ở quốc gia.
Đây là một giải pháp mang tính xã hội hóa cao, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng cần có trách nhiệm trong việc tạo lập Quỹ nhà ở quốc gia. Việc trích một phần lợi nhuận từ các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho thuê sẽ góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp.
Ngoài ra nên tạo lập cơ chế khuyến khích quỹ đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào Quỹ nhà ở quốc gia thông qua các cam kết lợi nhuận ổn định khi đầu tư vào quỹ, nghiên cứu các hình thức hợp tác công tư để khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia phát triển nhà ở.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, khẳng định, chủ trương thành lập quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn là mang tính đột phá. Vì quỹ này sẽ điều tiết thị trường bất động sản về mặt vĩ mô, giá cả.
Khi thị trường thiếu nguồn cung, Nhà nước sẽ mở quỹ để phát triển nhà ở, phục vụ an sinh xã hội. Khi nguồn cung vượt quá cầu thì Nhà nước sẽ đóng lại và điều tiết linh hoạt.
"Tất nhiên, trong quá trình thực hiện cũng cần phải nghiên cứu, dựa vào quy hoạch chung, quy hoạch vùng, căn cứ thực tiễn để đưa ra chiến lược phù hợp", ông Điệp nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất, thay vì đặt tên là Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, thì nên đặt thành Quỹ phát triển nhà ở, bỏ chữ “xã hội”.
Bởi về lâu dài, lập Quỹ nhà ở Quốc gia được sử dụng để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, bao gồm 2 loại nhà là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Do đó, tên gọi Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có tính linh hoạt và bao trùm chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người yếu thế trong xã hội, trong đó có cơ chế hỗ trợ cho người trẻ mua nhà ở thương mại giá rẻ, mà không cần phải thay đổi tên gọi của Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia.
Ngoài ra, ông Châu đề xuất Quỹ phát triển nhà ở quốc gia nên được quản lý bởi Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.
>>Khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ chưa hoạt động đã có bước tiến ‘thần tốc’