Sống

Robot dò mìn đầu tiên của Việt Nam: Hơn 10 người trong 1 năm dốc sức cho ra đời, chi phí sản xuất rẻ bằng 1/10 so với hàng nhập khẩu

Thùy Dung 08/04/2024 - 08:45

Robot này thực hiện được các chức năng như phát hiệu vật liệu nổ, kiểm tra vật lạ, cảnh giới, thăm dò, xử lý môi trường....

Robot dò mìn là kết quả của đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế thử mẫu robotcar trợ giúp, dò tìm bom mìn" của Viện Kỹ thuật công binh do TS. Nguyễn Xuân Kiều làm chủ nhiệm. Đề tài này được thực hiện vào năm 2006 và hoàn thành vào năm 2007 cho ra đời robot dò mìn đầu tiên của Việt Nam.

Robot dò mìn ‘Made in Vietnam’

Mặc dù mục đích của đề tài là “chế thử” nhưng sau 1 năm, sản phẩm thử nghiệm đã chứng minh có thể đáp ứng điều kiện dò bom mìn ở Việt Nam. Robotcar (RBC) là tên, do ghép hai chữ robot và car (xe) chuyển động theo định hướng của xích, có giá tay máy lắp các thiết bị khác nhau như máy dò mìn, máy phát sóng điện từ, máy phát sóng cảm ứng, thậm chí cả máy khoan, súng bắn hơi cay và phun nước...

Khung vỏ của RBC bằng kim loại có sơn phủ, trọng lượng 150kg, cao 1,2m, có thể hoạt động trên bề mặt địa hình gồ ghề có độ dốc 30-400, vượt qua vật cản 20-30cm, gắp được những vật nặng tối đa 50kg.

Hình ảnh robot dò mìn đầu tiên của Việt Nam

Hình ảnh robot dò mìn đầu tiên của Việt Nam

Cuối tháng 12/2006, nhóm thiết kế RBC gồm Đại tá, TS. Nguyễn Xuân Kiều (Viện Kỹ thuật công binh), TS. Nguyễn Tử Dũng (Đại học Bách khoa Hà Nội) và một số kỹ sư trẻ của Viện Tự động hóa quân sự đã đưa sản phẩm RBC chạy thử giữa sân và leo cầu thang. Tốc độ di chuyển đạt 60m/phút.

Là RBC dò mìn nên các tính năng của nó được nghiên cứu, chế tạo khá ưu việt. Trên thân nó lắp camera mini để thu hình truyền về một màn hình nhỏ. Nó có khả năng thông tin hai chiều, báo tín hiệu dò mìn, vật nổ bằng ánh sáng, âm thanh và đánh dấu phun sơn vào những nơi nó phát hiện thấy vật cần tìm.

Với những loại mìn như mìn zip, mìn lá, những người dò mìn giẫm phải có thể xảy ra tai nạn thì với RBC, có thể xử lý một cách nhanh gọn, nhẹ nhàng. Hơn thế nữa, nó hoàn toàn “vô tư” khi tiếp cận những môi trường có khí độc để đo nồng độ khí ở các hầm mỏ, dọn dẹp các vật liệu, phế thải trong các vụ cháy, nổ mà không khí bị ô nhiễm nặng.

Sau đó, RBC thử nghiệm được chuyển giao cho Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN) - Bộ Tư lệnh Công binh để sử dụng cùng robot Gryzzi-I do Mỹ tài trợ cho Việt Nam trong việc xử lý bom mìn sau chiến tranh. So với Gryzzi-I, RBC có điểm chưa bằng, nhưng lại khắc phục được những hạn chế của "người đồng nghiệp" ra đời trước là không to, nặng và cồng kềnh. Trong địa hình của Việt Nam, đặc biệt những nơi là chiến trường ác liệt xưa, việc một robot nhỏ và nhanh nhẹn len lỏi tìm kiếm bom mìn sẽ lợi thế hơn nhiều so với một robot như một cỗ máy đồ sộ.

Với RBC, số linh kiện, thiết bị nhập ngoại rất ít, chủ yếu là đồ nội hoặc tự chế tạo. Chỉ có một số linh kiện bán dẫn điện tử, IC, con chíp là của nước ngoài.

Chi phí rẻ bằng 1/10 so với hàng nhập

Đại tá Nguyễn Xuân Kiều cho biết, phải có tiền tỷ mới mua được một robot như Gryzzi-I. Vậy nhưng, đề tài RBC, chỉ có 150 triệu đồng để thực hiện. Một tập thể hơn 10 người, hơn 1 năm dốc sức cho RBC. Mỗi người một suy nghĩ cho công việc để làm sao sản phẩm ra đời được tốt nhất. Những chàng kỹ sư trẻ tuổi của phòng robot thích được thiết kế sản phẩm có dấu ấn của mình, khẳng định công nghệ quân sự Việt Nam. Những “người lính già” thì nặng lòng với đồng đội đã hy sinh vì những trái bom và những đồng đội đang làm nhiệm vụ phá bom mìn.

Năm 2006, với nhóm đề tài và chế tạo RBC, ít có ngày nghỉ và làm đêm là chuyện bình thường. Làm việc trong điều kiện kinh phí eo hẹp, nhiều linh kiện phải mua trên thị trường trôi nổi nên việc thiết kế tốn nhiều thời gian và công sức. Anh em tự bỏ tiền túi ra để... bồi dưỡng mình và thậm chí còn bỏ thêm cho cả RBC.

Gần 1 năm, các bộ phận kỹ sư bắt đầu tiến hành tích hợp sau một quá trình thử nghiệm đi, thử nghiệm lại. Cả nhóm xúc động nhìn thành quả lao động của mình đã thành hiện thực. Điều quan trọng nhất là RBC đã chứng minh được rằng, khoa học Việt Nam nói chung và cán bộ khoa học quân sự nói riêng đã làm chủ được công nghệ tự động hóa.

TS. Nguyễn Xuân Kiều kể, sản phẩm ban đầu có dạng bánh lốp, đi rất chậm. Nguyên nhân là do bánh lốp đi không chuẩn nên RBC chuyển động theo kiểu... nhích từng bước. Sau đó, bánh lốp được thay thế dạng xích như xích xe tăng. Ưu thế của loại bánh này là bám chắc, nhưng lại có một nhược điểm là bám vào vật cứng không chắc nên tiến tới thay thế bằng vỏ cao su, lõi thép.

RBC chuyển động nhờ hai động cơ một chiều, nguồn nuôi động cơ hiện tại là... ắc quy Đồng Nai. Lực được truyền vào hai bánh chủ động, kéo đai xích, thông qua bánh xích truyền chuyển động cho các bánh bị động. Để giảm trọng lượng của RBC cũng như để nó có thể lách vào những địa hình phức tạp cần những loại ắc quy nhỏ với nguồn năng lượng lớn hơn, vì thế, ắc quy có thể nhập ngoại.

>> Chiếc máy bay đầu tiên do Việt Nam chế tạo từ thập niên 80: Trọng lượng cất cánh lên tới 1.100kg, có thể bay thẳng từ Hòa Lạc sang Gia Lâm

Lộ diện hang động sâu tương đương với chiều cao của Landmark 81 khiến cả robot do thám bị rơi vào vực thẳm, chuyên gia loay hoay tìm lời giải

Xác tàu đắm 316 năm tuổi là kho báu trị giá 20 tỷ USD sắp được trục vớt bằng robot với chi phí ước tính khoảng 4,5 triệu USD

Robot trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam: Cao 1,8m, có đủ 5 giác quan, hội tụ nhiều công nghệ được kỳ vọng trở thành biểu tượng của giáo dục 4.0

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/robot-do-min-dau-tien-cua-viet-nam-hon-10-nguoi-trong-1-nam-doc-suc-cho-ra-doi-chi-phi-san-xuat-re-bang-1-10-so-voi-hang-nhap-khau-d119697.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Robot dò mìn đầu tiên của Việt Nam: Hơn 10 người trong 1 năm dốc sức cho ra đời, chi phí sản xuất rẻ bằng 1/10 so với hàng nhập khẩu
POWERED BY ONECMS & INTECH