Sa mạc lớn thứ 2 thế giới chứa cả ‘khu rừng quỷ’ kỳ lạ, được ví như chốn ‘đi dễ khó về’
Tại rìa phía bắc và phía nam của sa mạc này là hai nhánh của "Con đường tơ lụa" cổ xưa.
Taklamakan là sa mạc nằm ở Trung Á, trong khu vực thuộc khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc, là sa mạc ôn đới ấm điển hình. Với diện tích rộng khoảng 337.600km2, toàn bộ chiều dài từ đông sang tây là 1.000km, chiều rộng từ nam lên bắc là 400km, đây là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc và lớn thứ 2 trên thế giới.
Theo tiếng Duy Ngô Nhĩ, Taklamakan có nghĩa là “chỉ có thể đi vào mà không thể đi ra”. Đối với người Trung Quốc, nơi này còn được gọi là “Biển tử thần”. Tuy vậy, sa mạc này là vùng đất chứa đầy những điều bí ẩn và huyền sử, từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với giao thương Á - Âu.
Để vượt qua sa mạc rộng lớn bằng con đường ngắn nhất có thể, các thương nhân đã vạch ra hai con đường, đều men theo vành đai Taklamakan và những ốc đảo dọc đường đi đóng vai trò là các trung tâm thương mại trên "Con đường tơ lụa".
Với những dấu tích khảo cổ vẫn còn đến ngày nay, người ta biết được rằng trong sa mạc Taklamakan từng tồn tại rất nhiều nhà cửa, đền đài. Nhà cửa, đền miếu của thành cổ Loulan (Lâu Lan) dần hiện hình sau các đợt khai quật và những xác ướp có niên đại gần 4.000 năm cũng được tìm thấy ở vùng này. Tuy nhiên, việc xây dựng quốc lộ 217 ở Shaya County, Tân Cương đã khiến cho một số cảnh quan thiên nhiên kỳ lạ trong sa mạc lớn nhất Trung Quốc này xuất hiện. Một trong số đó là khu rừng quỷ.
Khi bước vào khu rừng kỳ lạ này, bạn sẽ cảm thấy được sự tận diệt của thế giới đáng sợ như thế nào. Trước đây, khu rừng quỷ từng là một nơi rất xanh tốt. Nó hầu như không bị tác động bởi thế giới bên ngoài vì nằm ẩn sâu trong sa mạc. Dù đáng sợ, nhưng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Tân Cương, ngày càng có nhiều du khách và các nhiếp ảnh gia tìm tới rừng quỷ.
Sự hình thành của khu rừng quỷ có mối liên hệ với sông Tarim. Sông Tarim bắt nguồn từ dãy núi Thiên Sơn và dãy núi Karakoram, chảy dọc theo rìa phía bắc sa mạc Taklamakan, đi ngang qua các khu vực phía nam của Aksu, Shaya, Kuqa, Luntai, Korla, Yuli … và cuối cùng chảy vào thành phố, tạo nên hồ Taitma.
Những tàn tích của cây cối khô héo trong khu rừng này mang tới cảm xúc “rợn người” cho du khách. Dưới cái nắng như thiêu đốt là bãi cát vàng mênh mông, thảm thực vật chết khô trong dòng sông cạn nước như một câu chuyện kể từ những gì còn sót lại của sa mạc Taklamakan và sông Tarim.
Dưới ánh mặt trời lặn, khu rừng quỷ càng thêm cô độc và đáng sợ. Chính vì sự hẻo lánh, khô héo của cây cối mang lại một cảm giác hoang tàn, bí ẩn nên nhiều người không dám tới nơi này.
Ngoài rừng quỷ, một số chuyên gia còn phát hiện ra rằng, sa mạc Taklamakan trước năm 330 sau Công nguyên là một hồ nước khổng lồ. Ngày nay người ta gọi những nơi này là Lop Nur (một vùng đất chết bị sa mạc hóa nhưng trước đó nó là một nơi rất trù phú, có nguồn nước dồi dào). Những điều kỳ lạ về Lop Nur và thành phố cổ Loulan ở đây thường được truyền tai nhau. Vì thế, người ta tin rằng, có một đại dương ngầm bên dưới sa mạc với lượng nước tương đương với 8 con sông Dương Tử.
Đến nay, những phát hiện khảo cổ ấn tượng cùng nhiều câu chuyện huyền bí về Taklamakan, sa mạc “không lối thoát” vẫn là một ẩn số thách thức các nhà khoa học nói chung và giới khảo cổ nói riêng.
Độc đáo hồ nước có màu hồng bí ẩn, được ví như trái tim đang đập giữa lòng sa mạc lớn thứ 4 thế giới