Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) thông báo đã bán 72,7 triệu cổ phiếu quỹ tính đến 23/7. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 36 triệu cổ phiếu STB từ đầu tháng 7.
Kết phiên 23/7, cổ phiếu STB của Sacombank (HoSE: STB) có giá 28.700 đồng/cp, tăng 2,5% so với tham chiếu. Đây là một trong 3 cổ phiếu ngân hàng tăng trong ngày hôm qua, bên cạnh MSB tăng 0,5% và LPB tăng 0,4%. Từ đầu năm, thị giá mã này tăng 70%.
Khối lượng giao dịch STB cũng đột biến gần 63,6 triệu đơn vị, gấp 3 lần hai phiên trước đó, cao nhất trong một tháng qua. Trong phiên, khối ngoại bán ròng 1,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng gần 36 triệu cổ phiếu.
Vừa qua, ngân hàng thông báo bán 81,6 triệu cổ phiếu quỹ trong tháng 7 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Tính đến nay, ngân hàng này đã bán hơn 72,7 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 88% lượng đăng ký giao dịch.
Tại ĐHCĐ thường niên 2021, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết ngân hàng đang xin cơ chế để mua lại khoản 32,5% vốn mà Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đang quản lý. Sau khi tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC, ngân hàng sẽ đưa về để bán đấu giá.
Theo Chủ tịch Sacombank, giá đấu phải khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu mới đủ để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt. Việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần này là VAMC. Nhưng theo người đứng đầu Sacombank, số cổ phiếu chiếm 32% vốn tại VAMC chắc phải giải quyết trong năm 2022.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cũng cho biết trong tổng số khoản nợ Sacombank còn tồn đọng mà VAMC quản lý mới chỉ xử lý được một nửa. Một nửa còn lại có xấp xỉ 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu của ông Trầm Bê cần xử lý, VAMC đã trình ban lãnh đạo, Chính phủ và NHNN. Dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, các bên sẽ có trả lời chính thức về hướng xử lý khoản nợ xấu này.
Quý I, ngân hàng lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 25% kế hoạch năm.
Tại 31/3, tổng tài sản ở mức 497.428 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng gần 5% lên 356.975 tỷ đồng. Dù vậy, nợ xấu giảm 8,4% xuống 5.292 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,7% còn 1,48%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 94% lên 106%.