Sẽ hình thành một ‘siêu’ Sở Xây dựng khi sáp nhập 3 tỉnh, thành phố giàu có nhất cả nước
Dự kiến, Sở Xây dựng của thành phố sau khi hợp nhất sẽ có 5 cơ sở và 23 phòng chức năng.
Theo báo Lao Động, Sở Xây dựng TP. HCM vừa có báo cáo gửi Ban Tổ chức Thành ủy TP. HCM về định hướng mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan này sau khi thực hiện sáp nhập 3 địa phương: TP. HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo phương án đề xuất, sau khi hợp nhất, Sở Xây dựng TP. HCM sẽ có tổng cộng 23 phòng chuyên môn, tổ chức hoạt động hành chính tại ba địa điểm, bao gồm: Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. HCM (số 159 Pasteur, Quận 3), tầng 1 tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương và số 4 Nguyễn Tất Thành, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trụ sở làm việc chính của Sở Xây dựng hợp nhất sẽ đặt tại 5 cơ sở: 3 địa điểm hiện hữu tại TP. HCM (gồm các trụ sở trên đường Trương Định, Pasteur và Lý Tự Trọng), 1 trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 1 tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.
Về hệ thống các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, phương án đề xuất giữ nguyên 3 Ban hiện nay của TP. HCM, bao gồm:
- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.
- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.
>> Tỉnh dự kiến sáp nhập với Nam Định sắp đấu giá hàng trăm lô đất, khởi điểm từ 2,2 triệu đồng/m2

8 Ban Quản lý dự án của hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được sáp nhập vào ba Ban tương ứng của TP. HCM, cụ thể:
Lĩnh vực dân dụng – công nghiệp: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh Bình Dương và Ban Quản lý chuyên ngành dân dụng – công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nhập vào Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp TP. HCM.
Lĩnh vực giao thông: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông tỉnh Bình Dương và Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nhập vào Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP. HCM.
Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - nông nghiệp: Các Ban chuyên ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn và xử lý nước thải của hai tỉnh sẽ sáp nhập vào Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP. HCM, đơn vị hiện đang đảm nhiệm cả hạ tầng kỹ thuật và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Riêng Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ được sáp nhập vào Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP. HCM.
TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều là những tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế, thu nhập đầu người trong top cao nhất cả nước. Đặc biệt, sau khi sáp nhập, vai trò "đầu tàu kinh tế" của TP. HCM càng rõ nét, khi GRDP gần gấp đôi Hà Nội, chiếm 1/4 GDP cả nước, nếu cộng thêm quy mô của Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.
>> Loạt 'siêu' phường xuất hiện tại Hà Nội, TPHCM sau sắp xếp