Bất động sản

Sau sáp nhập, Việt Nam sẽ sở hữu gần hai phần ba tỉnh thành giáp biển

Nguyễn Thảo 04/05/2025 22:30

Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, Việt Nam sẽ có 21/34 tỉnh thành giáp biển, chiếm gần hai phần ba cả nước. Không gian phát triển hướng biển mở rộng chưa từng có, tạo cú hích lớn cho kinh tế biển, logistics, du lịch và giao thương quốc tế.

Ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tổ chức hành chính của Việt Nam. Theo Nghị quyết, cả nước sẽ sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả không chỉ là con số địa phương giảm mạnh mà còn là sự “dịch chuyển chiến lược” về không gian phát triển: lần đầu tiên, có tới gần hai phần ba địa phương của Việt Nam sẽ giáp biển.

Hiện nay, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, chiếm 44% tổng số địa phương. Sau khi sáp nhập, con số này giảm còn 21, nhưng tỷ lệ địa phương giáp biển lại tăng vọt lên 62% (21/34 tỉnh, thành). Điều đó có nghĩa, trong số 34 tỉnh thành mới, cứ ba địa phương thì có hai nơi giáp biển.

Đáng chú ý, trong số 21 địa phương ven biển mới, tất cả đều có cảng biển — từ những cảng biển loại I như Thị Vải - Cái Mép đến các cảng chuyên dùng phục vụ vận chuyển hàng hóa, dầu khí hay du lịch. Ngoài ra, hai tỉnh không giáp biển nhưng vẫn có cảng biển là Đồng Nai (sau hợp nhất với Bình Phước) và Tây Ninh (sáp nhập với Long An).

Sau sáp nhập, Việt Nam sẽ sở hữu gần hai phần ba tỉnh thành giáp biển- Ảnh 1.
Cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Internet

Đặc biệt, sáp nhập còn tạo ra những “địa phương ven biển mới” vốn xưa nay được coi là vùng cao nguyên hoặc miền núi. Các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng sau khi hợp nhất với các tỉnh duyên hải sẽ sở hữu bờ biển và cảng biển, mở rộng đáng kể không gian phát triển và khả năng kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế.

Theo VnExpress, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc tạo không gian phát triển hướng biển rất quan trọng với Việt Nam. Là quốc gia có hơn 3.000km bờ biển và nằm gần tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về khai thác kinh tế biển như dầu khí, thủy sản, du lịch và logistics. Khi số lượng tỉnh giáp biển tăng lên, không gian phát triển của từng địa phương sẽ được mở rộng, cơ cấu kinh tế - xã hội sẽ đa dạng hơn, hài hòa hơn giữa nội địa và biển đảo.

> > Thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay sắp được lên đời

Một ví dụ nổi bật là Khánh Hòa. Sau khi hợp nhất với Ninh Thuận, tỉnh này sẽ sở hữu gần 500 km bờ biển — dài nhất cả nước, vượt xa Cà Mau và Quảng Ninh. Với lợi thế này, Khánh Hòa có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch biển, thủy sản và logistics hàng đầu quốc gia.

Sau sáp nhập, Việt Nam sẽ sở hữu gần hai phần ba tỉnh thành giáp biển- Ảnh 2.
Sau sáp nhập, Khánh Hòa sẽ có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch biển, thủy sản và logistics hàng đầu quốc gia. Ảnh minh họa

Tương tự, TP. HCM sau sáp nhập sẽ có bước “lột xác” ngoạn mục về năng lực hàng hải. Thành phố sẽ sở hữu cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng biển lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 19 thế giới, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn. Hệ thống cảng của TP.HCM cũng sẽ vươn lên thành lớn nhất cả nước với 99 bến — chiếm gần một phần ba tổng số bến cảng quốc gia, gấp 2,5 lần hiện tại.

Không chỉ đơn thuần mở rộng không gian, việc sáp nhập còn tạo ra mối liên kết mới giữa đồng bằng, núi rừng, biển đảo, điều này sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích giữa nội địa và ven biển, giúp các chính sách phát triển đồng bộ hơn, tận dụng thế mạnh của cả hai vùng.

Ở Tây Nguyên, sự chuyển mình rõ nét nhất đến từ các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai. Khi hợp nhất với Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định, những tỉnh này không còn là “vùng cao nội địa” đơn thuần mà trở thành những địa phương đa dạng địa hình, vừa có núi rừng, vừa có biển cả.

Sau sáp nhập, Việt Nam sẽ sở hữu gần hai phần ba tỉnh thành giáp biển- Ảnh 3.
Cảng biển Quy Nhơn. Ảnh: Internet

Đắk Lắk sau hợp nhất sẽ sở hữu cảng Vũng Rô và đường bờ biển Phú Yên; Lâm Đồng sẽ có bờ biển Bình Thuận rộng lớn; Gia Lai sẽ có lợi thế giao thương qua cảng Quy Nhơn của Bình Định. Những địa phương vốn mạnh về nông lâm nghiệp, thủy điện nay có thêm cửa ngõ xuất khẩu qua biển, mở ra hướng phát triển mới mẻ và tiềm năng.

Ở miền Bắc, sự hợp nhất giữa Hải Phòng và Hải Dương hứa hẹn mang lại sức bật lớn. Hải Dương sẽ tận dụng cụm cảng biển Hải Phòng — lớn thứ hai Việt Nam, trong khi Hải Phòng được mở rộng diện tích, dân số, tạo lợi thế về quy mô phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Sau sáp nhập, Việt Nam sẽ sở hữu gần hai phần ba tỉnh thành giáp biển- Ảnh 4.
Cảng Hải Phòng - cảng biển lớn thứ hai Việt Nam. Ảnh: Internet

Ở miền Trung và miền Nam, các cặp sáp nhập như Đà Nẵng - Quảng Nam, Bạc Liêu - Cà Mau, hay Khánh Hòa - Ninh Thuận đều hứa hẹn gia tăng sức mạnh tổng hợp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế biển, du lịch và logistics.

Tuy nhiên, không gian phát triển rộng lớn hơn cũng đặt ra những yêu cầu mới. Hạ tầng giao thông, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến cảng biển, hiện chưa hoàn toàn đồng bộ và kết nối tốt giữa các vùng. Ông Trần Ngọc Chính cho rằng “vấn đề liên kết giao thông là việc lớn cần giải quyết”, bởi chỉ khi hạ tầng được cải thiện, những lợi thế mới có thể phát huy trọn vẹn.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh tại cuộc gặp cán bộ lão thành cách mạng khu vực miền Nam rằng, mục tiêu của sáp nhập là kích hoạt liên thông giữa núi rừng - đồng bằng - biển đảo. Việc này không chỉ tạo không gian phát triển mà còn giúp một số tỉnh trở thành trung tâm kinh tế lớn, tương tự mô hình của Singapore, Dubai, London trong tương lai.

Việc sáp nhập tỉnh không đơn thuần là tinh gọn bộ máy hành chính, mà sâu xa hơn là một chiến lược mở rộng không gian phát triển, tận dụng tối đa lợi thế địa hình, địa chính trị của Việt Nam. Với gần hai phần ba tỉnh thành giáp biển, Việt Nam đang tự tạo cho mình một cơ hội mới để vươn mình thành quốc gia biển mạnh mẽ không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế. Điều quan trọng còn lại là làm thế nào để hạ tầng kết nối, quy hoạch tổng thể và chính sách phát triển kịp thời đồng bộ, nhằm biến những tiềm năng đó thành hiện thực.

> > Huyện đảo cực Đông Bắc Tổ quốc sẽ khai thác du lịch tại hàng loạt đảo nhỏ

Xã đảo được ví như 'hòn ngọc thô' của Việt Nam sẽ giữ nguyên hiện trạng sau sắp xếp đơn vị hành chính

Tỉnh được xem là 'cửa ngõ' vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ tinh gọn đơn vị hành chính, giảm còn 66 xã, phường

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/sau-sap-nhap-viet-nam-se-so-huu-gan-hai-phan-ba-tinh-thanh-giap-bien-202250504170335836.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau sáp nhập, Việt Nam sẽ sở hữu gần hai phần ba tỉnh thành giáp biển
    POWERED BY ONECMS & INTECH