Quốc gia châu Á đã vượt Mỹ trong cuộc đua mạng di động thế hệ thứ 5. Dự kiến thị trường 5G này có thể đóng góp gần 260 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2030.
Trung Quốc là quốc gia ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục trong việc phủ sóng các trạm gốc 5G trên diện rộng. Được biết, thị trường 5G phát triển mạnh mẽ của nước này dự kiến sẽ đóng góp gần 260 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2030.
Theo đó, một số dữ liệu chỉ ra rằng, Trung Quốc đã xây dựng được khoảng 3 triệu trạm gốc 5G tính đến cuối tháng 6/2023. Cụ thể, kỹ sư trưởng kiêm đại diện phát ngôn của MIIT, Zhao Zhiguo cho biết: “Tính đến cuối tháng 6, số lượng trạm gốc 5G ở Trung Quốc đã lên tới 2,937 triệu, bao phủ hầu hết các khu vực đô thị của nhiều thành phố. Phạm vi phủ sóng đang lan tỏa mạnh mẽ khắp đất nước”. Còn tính đến cuối tháng 7, nước này đã xây dựng tổng cộng hơn 3,055 triệu trạm gốc 5G.
Trung Quốc là quốc gia ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục trong việc phủ sóng các trạm gốc 5G trên diện rộng |
Ông cũng nói thêm, sự phát triển này đã thúc đẩy quá trình nâng cấp công nghệ của nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.
Theo South China Morning Post (SCMP), một vài số liệu trong năm 2023 cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ trong cuộc đua mạng di động thế hệ thứ 5, với hơn 600.000 trạm mới được lắp đặt bổ sung chỉ trong 3 tháng. Để so sánh, Mỹ chỉ xây dựng được khoảng 100.000 trạm gốc 5G trong 2 năm, từ năm 2019 đến năm 2021, theo một ước tính gần đây.
Số lượng trạm gốc 5G xác định vùng phủ sóng và độ mạnh của mạng. Điều này vô cùng quan trọng để kích hoạt các ứng dụng, dịch vụ mới - yêu cầu kết nối tốc độ cao, độ trễ mạng thấp, ví dụ xe tự lái, phẫu thuật từ xa và các nhà máy thông minh.
Ông Zhao Zhiguo cho biết khoảng 3 triệu trạm 5G được kết nối với 676 triệu điện thoại di động và hơn 2,12 tỷ người dùng đang sử dụng các thiết bị được kết nối với internet thông qua mạng 5G hoặc Internet of Things (IOT).
Trung Quốc lần đầu tiên triển khai các trạm 5G vào khoảng năm 2019 |
Việc mở rộng mạng lưới một cách nhanh chóng này nằm trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. “Chúng tôi đã và đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin mới cũng như thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng kỹ thuật số vào nền kinh tế”, ông Zhao chia sẻ.
Cắt giảm chi phí và cải tiến công nghệ cũng đã giúp thúc đẩy việc mở rộng quy mô hệ thống trạm gốc mạng nhanh chóng. Giá trung bình của một mô-đun 5G cho thiết bị công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm xuống dưới 400 nhân dân tệ (55,41 USD). Mức tiêu thụ năng lượng của mỗi trạm gốc cũng giảm hơn 20% so với giai đoạn đầu triển khai.
Trung Quốc lần đầu tiên triển khai các trạm 5G vào khoảng năm 2019. Mặc dù đem lại nhiều lợi ích nhưng một số nhà phê bình lại cho rằng phát triển 5G là một dự án lãng phí tiền bạc. Bởi theo lý thuyết, 4G cũng có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ lên tới 1 Gigabit/giây giống như 5G - hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của hầu hết người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Tao Qing, một giám đốc tại MIIT cho biết một số nhà máy thông minh có sử dụng mạng 5G đã tăng năng suất thêm 1/3.
“Chu kỳ phát triển sản phẩm của nhà máy đã rút ngắn trung bình khoảng 20,7% và hiệu quả sản xuất tăng trung bình 34,8%. Tỷ lệ sản phẩm bị lỗi và lượng khí thải carbon cũng giảm trung bình lần lượt 27% và hơn 20%”, bà cho biết.
“Trong nửa đầu năm, doanh thu của các mảng kinh doanh mới nổi như trung tâm dữ liệu, big data, điện toán đám mây và IoT tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thúc đẩy doanh thu dịch vụ viễn thông tăng thêm 3,7 điểm phần trăm”, ông Zhao Zhiguo nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng việc áp dụng và tích hợp công nghệ 5G đã lan rộng đến hơn 40 lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm công nghiệp, y tế, giáo dục và giao thông.
Tại hơn 100 thành phố và hơn 1.000 khu công nghiệp, 5G đang hỗ trợ hàng trăm nghìn doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Công nghệ này cũng đang thúc đẩy sự phát triển của các thành phố thông minh, giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng cuộc sống.