Xã hội

Siêu thủ môn duy nhất của bóng đá Việt Nam được mệnh danh là ‘lưỡng thủ vạn năng’, ‘thủ môn số 1 châu Á’

Thái Hà 17/02/2025 14:00

Dù đã từ giã sân cỏ gần 50 năm, tên tuổi của ông vẫn mãi mãi sống trong ký ức những người hâm mộ bóng đá như một huyền thoại.

Ông Phạm Văn Rạng (8/1/1934 - 7/11/2008), sinh tại Mỹ Tho, Tiền Giang, được coi là thủ môn huyền thoại số một trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Thời kỳ thi đấu đỉnh cao, tên tuổi của Phạm Văn Rạng vang danh khắp châu Á. Báo chí quốc tế từng ca ngợi và tôn vinh ông là "Đệ nhất thủ môn châu Á", đồng thời đặt biệt danh "Lưỡng thủ vạn năng" cho ông.

Siêu thủ môn duy nhất của bóng đá Việt Nam được mệnh danh là ‘lưỡng thủ vạn năng’, ‘thủ môn số 1 châu Á’ - ảnh 1
Ông Phạm Văn Rạng là thủ môn lừng danh Việt Nam. Ảnh: Internet

Thuở nhỏ, khi lên Sài Gòn học tập, cậu bé Phạm Văn Rạng từng lén trèo rào vào sân để xem đội Ngôi sao Gia Định thi đấu. Hình ảnh thủ môn Ba Quyến bay lượn trong khung thành đã khiến cậu bé say mê và ấp ủ giấc mơ được đứng trong khung gỗ.

Tuy nhiên, khi còn đi học, Rạng lại được thầy giáo thể dục xếp đá trung phong. Nhờ thể lực vượt trội và sự nhanh nhẹn, cậu chơi rất hay, ghi nhiều bàn thắng. Nhưng khát khao trấn giữ khung thành chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng cậu bé.

Cơ hội vàng đến khi đội bóng của Việt Nam học đường đối đầu với trường Huỳnh Khương Ninh. Thủ môn của đội bị chấn thương, Rạng lập tức xung phong thay thế. Hôm đó, cậu đã khiến tất cả các chân sút đối phương nản lòng và làm thầy giáo thể dục nhận ra tiềm năng to lớn bên trong vóc dáng nhỏ bé ấy. Từ đó, Rạng giã từ vị trí tiền đạo để chuyển sang bảo vệ khung thành.

Năm 1951, khi mới 17 tuổi, Phạm Văn Rạng bắt đầu sự nghiệp trong màu áo Ngôi sao Bà Chiểu. Nhờ tài năng nổi bật, chỉ hai năm sau, ông được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên.

Năm 1953, Phạm Văn Rạng trở thành người trấn giữ khung thành cho đội Tổng Tham mưu. Ở tuổi 19, với những pha cứu bóng điêu luyện và phản xạ xuất sắc, ông chính thức khoác áo đội tuyển miền Nam Việt Nam.

Năm 1959, ông cùng đội tuyển miền Nam Việt Nam giành Huy chương Vàng SEAP Games (tiền thân của SEA Games) sau khi đánh bại chủ nhà Thái Lan 3-1 trong trận chung kết. Từ đây, tên tuổi Phạm Văn Rạng vươn xa khắp châu Á.

Siêu thủ môn duy nhất của bóng đá Việt Nam được mệnh danh là ‘lưỡng thủ vạn năng’, ‘thủ môn số 1 châu Á’ - ảnh 2
"Lưỡng thủ vạn năng" giành Huy chương Vàng năm 1959 cùng đội tuyển miền Nam Việt Nam. Ảnh: Internet

Sau hơn một thập kỷ thi đấu, đến năm 1964, ông nói lời chia tay đội tuyển miền Nam Việt Nam sau 12 năm gắn bó.

Tưởng chừng đã giã từ sân cỏ, nhưng năm 1966, huyền thoại Lý Huệ Đường đích thân tìm đến mời ông gia nhập đội Ngôi sao châu Á, với lý do: “Ở châu lục này, chẳng ai có thể bắt bóng giỏi như ông!”

Trong một trận đấu tại Malaysia, ông khiến mọi chân sút của CLB Chelsea (Anh) phải bất lực. Đội Ngôi sao châu Á giành chiến thắng 2-1 và Tạp chí France Football (Pháp) đã vinh danh ông là "Đệ nhất thủ môn Á châu".

Sau năm 1975, ông vừa thi đấu, vừa làm huấn luyện viên tại CLB Tổng cục Vật tư, trước khi chính thức giải nghệ vào năm 1978.

Những năm cuối đời, ông vất vả mưu sinh với vai trò HLV bóng đá phong trào, làm việc tại nhiều trường học, xí nghiệp. Thậm chí, có lúc ông còn làm bảo vệ đêm cho một doanh nghiệp nước ngoài nhờ khả năng nói tiếng Pháp.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của ông, những cựu danh thủ như Tam Lang, Dương Văn Thà, Võ Thành Sơn, Hồ Thanh Cang… cùng các mạnh thường quân đã quyên góp xây tặng ông một ngôi nhà cấp 4 tại sân bóng Thuận Kiều, quận 12, TP. HCM, giúp ông có nơi an cư sau những năm tháng cơ cực.

Ngày 7/11/2008, huyền thoại Phạm Văn Rạng qua đời sau một cơn đột quỵ, hưởng thọ 74 tuổi.

Dù đã từ giã sân cỏ gần 50 năm, nhưng đến nay, tên tuổi của ông vẫn là một tượng đài bất tử trong lòng người hâm mộ.

Vài nét về cựu thủ môn Phạm Văn Rạng

Sinh ngày: 8/1/1934 tại Mỹ Tho, Tiền Giang.

Từng thi đấu cho đội: Ngôi sao Bà Chiểu, Tổng Tham mưu, Quan Thuế, Tổng cục Vật tư, đội tuyển Thanh Niên, đội tuyển miền Nam Việt Nam, đội tuyển các Ngôi sao châu Á.

Tham dự: SEAP Games (tiền thân của SEA Games) 1959, 1963, 1965; Á vận hội 1958 và 1962, Cúp Merdeka (Malaysia) từ năm 1958 đến năm 1962.

Thành tích: Huy chương Vàng SEAP Games 1959, Huy chương Đồng SEAP Games 1963 và 1965. Á quân giải châu Á 1958 và 1962. Từng được AFC đánh giá là thủ môn số 1 châu Á.

Trước thềm Tết Nguyên đán, thủ môn Nguyễn Đình Triệu có hành động ý nghĩa tại quê nhà Thái Bình

Thủ môn Việt Nam được vinh danh xuất sắc nhất ASEAN Cup 2024: Từng bỏ bóng đá đi làm bảo vệ, vừa được thưởng nóng nửa tỷ đồng

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sieu-thu-mon-duy-nhat-cua-bong-da-viet-nam-duoc-menh-danh-la-luong-thu-van-nang-thu-mon-so-1-chau-a-136935.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siêu thủ môn duy nhất của bóng đá Việt Nam được mệnh danh là ‘lưỡng thủ vạn năng’, ‘thủ môn số 1 châu Á’
    POWERED BY ONECMS & INTECH