Sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn: Nguyên nhân do đâu?

26-10-2022 15:06|Hải Ly

Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên các trường đại học không thể tốt nghiệp đúng hạn. Thậm chí có những sinh viên mãi không ra được trường.

“Bắt mạch” nguyên nhân

Tại các trường kỹ thuật lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Xây dựng... hiện có khá nhiều sinh viên học tới 7, 8 năm mà vẫn chưa thể ra được trường. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chểnh mảng trong việc học tập, ham chơi dẫn tới việc trượt môn, học lại.

Nhiều sinh viên ngậm ngùi: “Bước vào năm cuối, em muốn quay lại việc học nhưng không còn kịp”.

Trên thực tế, tỷ lệ sinh viên ra trường trước và đúng hạn (4,5 năm - 5 năm) tại các trường kỹ thuật thường đạt không quá 50%. Thậm chí PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn chia sẻ: "Thầy trưởng phòng đào tạo nói rằng, bấy lâu nay, mơ ước của thầy là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đạt 60%".

Cũng theo thầy Điền, năm học 2021 - 2022, trường có khoảng 450 sinh viên hệ chính quy của trường bị buộc thôi học. Ở những năm học trước, con số này là 700 - 800 em. Nguyên nhân sinh viên bị buộc thôi học chủ yếu do ham chơi, xác định mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại xuất phát từ những nguyên nhân khác như mất động lực, ốm đau...

Tại Học viện Tài chính, trung bình mỗi năm có khoảng 10%, tương đương hơn 300 sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn. Với khóa 56 (2018 – 2022), đến thời điểm này có 654 sinh viên chưa đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp, trong đó có 56 sinh viên xin hoãn xét tốt nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo nhà trường, có nhiều lý do dẫn đến sinh viên không tốt nghiệp đúng kỳ hạn. Chẳng hạn như: Một số em chưa thực sự cố gắng trong học tập. Có những em mải mê đi làm thêm, ảnh hưởng đến kết quả học nên không thể tốt nghiệp đúng thời hạn. Một phần cũng có nguyên nhân từ phía cố vấn học tập đã không theo sát sinh viên lớp mình đảm nhận, nên các em bỏ lỡ cơ hội học tập. Nhiều sinh viên còn nợ môn, chưa đạt chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ. Cũng có sinh viên muốn cải thiện điểm, xếp loại bằng tốt nghiệp của mình nên xin hoãn xét tốt nghiệp.

Xót xa khi mỗi lần Hội đồng Xét học vụ phải ra quyết định cảnh báo hoặc buộc thôi học với nhiều sinh viên, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, nếu không được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt, nhiều sinh viên có thể bị “sốc” và không kịp thích ứng, dẫn đến trượt dài trong thất bại. Để tránh rơi vào tình trạng này, các em cần nghiên cứu kỹ quy định đào tạo của trường mình theo học. Theo dõi thông tin đào tạo thường xuyên của nhà trường qua các kênh chính thống; đồng thời xây dựng kế hoạch học tập từng năm, kỳ, môn học và từng bước đạt được chúng.

Khổ luyện mới thành tài

“Các em cũng nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của cố vấn học tập, đồng thời tự giác ôn tập sau mỗi ngày học tập. Không nên chỉ ôn tập trước mỗi kỳ thi. Đặc biệt, đừng quá tập trung đi làm thêm mà bỏ bê việc học tại trường. Nên nhớ, học tập mới nhiệm vụ chính của sinh viên”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền trao đổi, để trúng tuyển vào đại học đã khó, việc duy trì phong độ cũng khó không kém. Vì thế, các em cần cố gắng và nỗ lực hết mình trong học tập, rèn luyện. Đừng tự mãn vì đã trúng tuyển vào đại học mà học tập theo kiểu “xả hơi”.

Học đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Các cơ sở đào tạo luôn đặt ra những yêu cầu nhất định với sinh viên để bảo đảm chất lượng đầu ra. Do đó, đòi hỏi người học phải luôn có ý thức, thái độ học tập nghiêm túc. Ngoài ra, các em phải tự trang bị cho mình những kỹ năng để thích ứng với môi trường học tập mới.

Để tránh “vết xe đổ”, khi tiếp nhận tân sinh viên, Học viện Tài chính thường dành khoảng thời gian nhất định để các em làm quen với môi trường học tập mới. Từ khi nhập học, các tân sinh viên sẽ được tư vấn lập kế hoạch học tập một cách khoa học, vừa bảo đảm mục tiêu học tập, vẫn có thể trải nghiệm các kỹ năng cần thiết.

Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, tân sinh viên cũng được phổ biến các quy định liên quan đến học tập, đồng thời cảnh báo nguy cơ có thể mắc phải (tệ nạn, lừa đảo…). Tất cả được truyền tải đầy đủ để sinh viên xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của mình. 

Đồng quan điểm, TS Hoàng Trung Học lưu ý, các em cần có ý chí vượt khó, tính tự giác cao trong học tập. Học đại học không chỉ là quá trình giáo dục đơn thuần, mà là hành trình đào tạo, hình thành phẩm chất, năng lực nghề nghiệp ở một chủ thể đã trưởng thành, có tính tự giác cao. Chỉ khi nhận thức được điều đó, các em mới có thể học tập tốt trong trường đại học.

Tuyển sinh đại học: Nhiều ngành "trắng" thí sinh

24 tân sinh viên một trường làm giả kết quả tốt nghiệp để vào đại học

Nữ sinh vào đại học từ tuổi 13, là người trẻ nhất đỗ kỳ thi luật sư tại Mỹ

Bài thuộc chủ đề Xây dựng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sinh-vien-khong-tot-nghiep-dung-han-nguyen-nhan-do-dau-155284.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn: Nguyên nhân do đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH