Tuyển sinh đại học: Nhiều ngành "trắng" thí sinh

14-10-2022 18:51|Hồng Hải

Kết thúc xét tuyển đợt 1 năm 2022, không ít ngành ở nhiều trường đại học chỉ tuyển được vài thí sinh, thậm chí có ngành "trắng" thí sinh trúng tuyển.

Một số ngành học rơi vào cảnh "trắng" thí sinh như công nghệ kỹ thuật môi trường, hóa học, phát triển nông thôn... Tình trạng tuyển sinh khó khăn của các ngành buộc các trường xem xét có nên tuyển sinh các ngành này trong năm tới hay không.

Ngành học "trắng" thí sinh

Sau đợt xét tuyển bổ sung, Trường ĐH Tây Nguyên có bốn ngành không có thí sinh nào trúng tuyển gồm sinh học, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ sau thu hoạch, quản lý tài nguyên rừng. Nhiều ngành khác có số thí sinh trúng tuyển đợt 1 rất ít như lâm sinh, kinh tế nông nghiệp, khoa học cây trồng, chăn nuôi.

Một số trường đại học khác cũng có tình trạng nhiều ngành "trắng" thí sinh trúng tuyển hoặc nhiều ngành chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Chẳng hạn ở Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang), các ngành kinh tế nông nghiệp, kinh tế đầu tư, tâm lý học không có thí sinh nào trúng tuyển đợt 1.

Tại Trường ĐH Hà Tĩnh, các ngành kinh tế nông nghiệp, khoa học cây trồng, kỹ thuật xây dựng dù xét tuyển nhiều phương thức nhưng không có thí sinh trúng tuyển, một vài ngành chỉ có 1, 2 thí sinh. Năm 2016, Trường ĐH Đà Lạt mở ngành kỹ thuật hạt nhân.

Ngay năm đó, điểm chuẩn ngành này lên đến 25,5, cao nhất trường. Sau đó, điểm chuẩn trồi sụt từ 15 đến 20 điểm những năm qua. Năm nay, điểm chuẩn 16 nhưng chỉ có bảy thí sinh trúng tuyển. Ngành sư phạm tin học cũng có bảy thí sinh, sinh học sáu thí sinh, dân số và phát triển một thí sinh và ngành lịch sử năm thí sinh trúng tuyển.

Ngành khoa học vật liệu của Trường ĐH Quy Nhơn cũng chỉ có hai thí sinh trúng tuyển nên trường quyết định dừng mở ngành năm nay, vận động thí sinh chuyển sang ngành khác.

Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều trường đại học khác như Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Kiên Giang, Khánh Hòa. Có những ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhưng cũng vài ngành chỉ lác đác chưa đến 10 thí sinh.

Xem xét có nên tiếp tục tuyển sinh

Ông Nguyễn Văn Nam - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên - cho biết có một số ngành của trường tuyển sinh khá khó khăn trong nhiều năm qua. Có ngành không tuyển được hoặc chỉ tuyển được vài thí sinh. Trong số này có một số ngành khá gần nhau.

Chẳng hạn trước đây trường tuyển sinh ngành quản lý tài nguyên rừng và môi trường nhưng danh mục mã ngành chỉ có ngành quản lý tài nguyên rừng, quản lý tài nguyên môi trường nên ngành này tách ra thành hai ngành...

"Thí sinh thay vì chọn công nghệ sau thu hoạch sẽ chọn công nghệ thực phẩm, chọn lâm nghiệp thay vì quản lý tài nguyên rừng vì cơ hội việc làm rộng hơn. Mặc dù số lượng thí sinh trúng tuyển một số ngành rất ít nhưng trường vẫn phải đào tạo vì đó là nhiệm vụ" - ông Nam lý giải.

Cũng theo ông Nam, sau đợt tuyển sinh năm nay, trường sẽ xem xét lại trước khi quyết định có tiếp tục tuyển sinh các ngành không tuyển được hay không. Bởi ngành đó gần với các ngành khác thì dồn nguồn lực cho các ngành còn lại.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Vinh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn - cho biết ba năm liên tiếp trường không đào tạo ngành khoa học vật liệu vì không có sinh viên. Năm nay, ngành này chỉ có hai thí sinh trúng tuyển nên trường vận động thí sinh chuyển sang ngành khác, tiếp tục ngừng đào tạo.

Theo ông Vinh, đội ngũ giảng viên của ngành này rất mạnh, gần mười giáo sư, phó giáo sư học từ nước ngoài về nhưng lại không có sinh viên đại học, chỉ có bậc sau đại học.

"Có thể thí sinh chưa biết về cơ hội việc làm của ngành này nên không chọn. Hiện đã có một tập đoàn lớn đầu tư vào ngành công nghiệp vật liệu tại Bình Định. Trường chấp nhận đóng cửa ngành, khi cần thiết sẽ mở lại" - ông Vinh nói.

Nguyên nhân từ đâu?

Ông Lê Quốc Tuấn - giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một - cho rằng trong bối cảnh giáo dục đại học cạnh tranh hiện nay, nhiều trường đào tạo ngành nghề giống nhau nhưng số lượng người học có hạn. Do đó, việc mở ngành mà không có sinh viên theo học đủ số lượng quy định dần trở nên quen thuộc.

"Quy định nếu không tuyển được đủ số lượng người học thì phải đóng ngành là hợp lý. Nếu cơ sở giáo dục không đảm bảo các quy định về việc mở ngành, trong đó có số lượng người học thì việc đóng ngành là tất yếu vì đào tạo cho ai bây giờ.

Còn đối với các trường tư thục, tự chủ tài chính, việc thu chi là sống còn. Do đó, nếu tổ chức tuyển sinh và dạy học mà không có lời thì không ai đầu tư" - ông Tuấn nhận định.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết các ngành khoa học công nghệ đòi hỏi nhiều về trang thiết bị thực hành, đội ngũ giảng dạy cũng như môi trường học tập và làm việc.

Các trường ở địa phương thường hạn chế hơn các trường tại TP.HCM về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng đào tạo cũng như môi trường học tập.

"Sinh viên kỹ thuật ở TP.HCM được tiếp cận với các trang thiết bị mới, thực hành tại các doanh nghiệp lớn nên có thể làm quen sớm với thực tế. TP.HCM cũng tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy của các tập đoàn lớn nên cơ hội tiếp cận và tìm việc tốt hơn. Trường ở tỉnh hạn chế hơn về điểm này.

Một sinh viên kỹ thuật ở TP.HCM và ở tỉnh sẽ rất khác nhau. Thí sinh giờ không đăng ký xét tuyển đại mà tìm hiểu rất kỹ về trường, ưu tiên cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp. Do đó trường ở tỉnh sẽ khó tuyển sinh hơn" - ông Dũng nói.

6 trường đại học Việt Nam lọt bảng xếp hạng thế giới năm 2023

Sau khi đủ điều kiện trúng tuyển bằng học bạ, thí sinh cần làm gì?

Hai phương án thi tốt nghiệp THPT: Thi ngày 21, 22/6 và 26, 27/6

Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học ngày 10/7

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nhieu-nganh-trang-thi-sinh-153482.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tuyển sinh đại học: Nhiều ngành "trắng" thí sinh
POWERED BY ONECMS & INTECH