Trong những năm trước đây, việc xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau, hay các ông bà chủ ngân hàng có vốn góp cổ phần sở hữu ở ngân hàng khác, khá phức tạp vì chồng chéo.
Chẳng hạn như ở giai đoạn 2017, theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng năm 2017 được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội, “Một số tổ chức tín dụng vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Cụ thể, Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và NHTM cổ phần Kiên Long (KienlongBank) sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau; 5 tổ chức tín dụng bao gồm: NHTM cổ phần Hàng hải, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (khi đó là VNCB, ngày nay là CBBank), NHTM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác”. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, số cặp sở hữu chéo năm 2015 là 7 cặp và giảm xuống còn 2 cặp vào cuối năm 2017.
Trước đó, sở hữu chéo giữa các ngân hàng và chủ ngân hàng cũng vô cùng chồng chéo, phức tạp. Trường hợp như ACB với cựu cổ đông Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là "bầu Kiên") trước khi bị khởi tố bởi các vi phạm, đã có "ma trận" vốn góp tại hàng loạt ngân hàng và vốn góp chéo (qua góp vốn tại ngân hàng đó để kiểm soát chi phối ngân hàng khác)… , qua đó nắm giữ cổ phiếu ACB, DaiABank, VietBank, KienLongbank và Eximbank, là ví dụ.
Việc xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng đã được thúc đẩy ráo riết, đặc biệt khi NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Theo Thông tư này quy định, một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá hai TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết củ TCTD đó. Trường hợp vượt trừ khi TCTD là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái c cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN. Việc đưa ra con số 5% trở thành nhiệm vụ cũn như mục tiêu để các TCTD đang có tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các TCTD khác phải thoái vốn hoặ TCTD đang bị một TCTD khác nắm giữ nhiều hơn 5% vốn điều lệ cần gấp rút có kế hoạch tăng vốn.
Các chuyên gia nhận định,sau khi Thông tư 36 ra đời, giải pháp xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã được thực hiện xử lý bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế từng ngân hàng. Theo đó, chủ yếu tập trung vào: thoái vốn, tăng vốn điều lệ. Hàng loạt đợt thoái vốn đã diễn ra và giúp nhiều nhà băng “rút về” vùng sở hữu trong quy định như điều 18 của Thông tư 36 quy định. Một số đợt thoái vốn kết hợp tăng vốn, đã giúp như Vietcombank từ chỗ có góp vốn cổ phần 4 ngân hàng MB, Eximbank, SaigonBank, OCB, cộng hưởng cả chiều tăng vốn điều lệ như ở OCB, SaigonBank, đã được pha loãng, giảm tỷ lệ nắm giữ. Tương tự như vậy cũng đã diễn ra với trường hợp giúp giảm tỷ lệ góp vốn tại ngân hàng khác của VietinBank.
Eximbank cũng bán bớt cổ phần Sacombank, từ chỗ là cổ đông lớn nắm khoảng 10%, về dưới tỷ lệ cổ đông lớn theo quy định và thu về hơn 2.300 tỷ đồng, đóng góp lợi nhuận cho giai đoạn 2017-2018 đầy xáo trộn của chính nhà băng này. Tuy nhiên, trong vòng xoáy từ vụ cổ đông Ngân hàng Phương Nam thâu tóm Sacombank, Eximbank với nền tảng đầy hấp dẫn cũng trở thành đích ngắm của nhiều nhóm cổ đông muốn tham gia thâu tóm, kiểm soát lợi ích kinh tế, dẫn đến cuộc chiến vương quyền nhiều năm diễn ra tại đây.
Một số trường hợp phát hành tăng vốn như ở Bắc Á Bank, VIB, cũng đã góp phần giảm tỷ lệ sở hữu của “chủ” ngân hàng về mức quy định trên sổ sách.
Sau những chuyển động như vậy, cho đến hiện nay, tuy vẫn còn một số ngân hàng sở hữu cổ phần tại các ngân hàng khác và các ông, bà chủ nhà băng có thể có sở hữu chéo ngầm thông qua các doanh nghiệp, cá nhân khác, nhưng không còn thể hiện rõ trên sổ sách.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong các NHTM là một trong những nội dung chính, quan trọng trong trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Bà nhìn nhận hiện nay, dù tình trạng sở hữu cổ phần, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với nhau, giữa TCTD với doanh nghiệp, đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong xử lý.
Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, nguyên nhân xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn, do cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến các tổ TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Cũng theo NHNN, hiện nay một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù mức độ sở hữu không vi phạm quy định của pháp luật song tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Như vậy, vấn đề tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng không còn lo ngại nằm ở chỗ sở hữu giữa các ngân hàng với nhau khi các tỷ lệ sở hữu thể hiện khá rõ ràng trên giấy tờ và thể hiện sự tuân thủ quy định. Nhưng việc các ngân hàng phải liên kết với nhau để thông qua cổ phần chia sẻ nguồn vốn nhau dẫu đã khác trước đây, và khi nhóm các ngân hàng TMCP vốn tư nhân sau quá trình M&A, thực thi Thông tư 36, trong một thị trường chứng khoán phát triển hơn, lại cũng đã phát triển hơn về quy mô, về nguồn vốn; đồng thời từ đó mức độ liên kết từ sở hữu chéo lại càng trở nên “tinh vi”, “phức tạp” hơn.
Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/12/2024: Nhà băng thứ 13 trả lãi suất từ 6%/năm
Ngân hàng muốn đấu giá khoản nợ trăm tỷ của đại gia đi nước ngoài rồi biệt tăm