Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng trong tháng đầu tiên của năm mới. Vì thế, thị trường đồ lễ những ngày này càng trở nên nhộn nhịp.
Thông thường, vào dịp cao điểm mua sắm rằm tháng Giêng, giá cả và doanh thu bán hàng tăng cao so với ngày thường do người dân có quan niệm “Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Tuy nhiên, năm nay giá hầu hết các mặt hàng đều ổn định, không tăng cao hơn so với dịp gần Tết Nguyên đán.
Hoa tươi đắt khách
Với quan niệm “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", cận kề ngày 15 tháng Giêng, nhiều dịch vụ, vật dụng và thực phẩm đang được người tiêu dùng tranh thủ mua sắm, đặt hàng để tránh việc tới sát ngày giá cả tăng cao và hàng hóa khan hiếm. Trong đó, mặt hàng hoa sen đang trở nên rất đắt khách khiến cho giá của loại hoa này đang tăng lên và khan hiếm.
Một số chủ cửa hàng hoa tươi cho biết, hiện nay, các cửa hàng chủ yếu bày bán hoa sen hồng và hoa sen trắng. Đặc biệt là hoa sen trắng rất hút khách nên số lượng hoa nhập về năm nay khá cao. Nhiều khách hàng còn đặt từ trước Tết Nguyên đán 2023.
Vì hoa sen đầu năm khá ít và cũng là loài hoa không bảo quản được lâu nên để đảm bảo độ tươi và đẹp nhất, cửa hàng anh sẽ cắt hoa sát ngày rằm.
Giá hoa sen được bán ra thị trường hiện nay khoảng từ 80.000-120.000 đồng/ bó 10 bông. Giá này sẽ tăng lên trong một vài ngày sắp tới.
Một số chủ tiệm hoa online cũng cho biết, người tiêu dùng hiện đại luôn hướng đến những thứ hoàn hảo nhất, đặc biệt là những thứ trưng bày cho việc đi cúng lễ. Vì vậy, mẫu hoa sen gấp cánh kiểu Thái Lan tại cửa hàng đang được coi là best seller. Mỗi bông hoa trắng được gấp cánh, kèm đài hoa đang được bán với giá 20.000-30.000 đồng, đắt hơn khoảng 20% so với ngày bình thường.
Không chỉ hoa sen mà những loài như hoa cúc, hoa bưởi cũng được người dân tìm mua. Hoa bưởi được bán với giá 30.000 đồng/lạng nguyên cành, hoa rời thì 200.000 đồng/kg.
Hoa quả, thực phẩm dồi dào
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội, tuy sức mua hàng ngày rằm tháng Giêng tăng nhưng giá các mặt hàng khá ổn định.
Thực tế cho thấy, các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống đều giữ giá bán như ngày thường, không xảy ra tình trạng tăng giá "chặt chém" khách hàng. Nhìn chung, thị trường đồ cúng cho ngày Rằm khá phong phú, giá cả các mặt hàng như thực phẩm, hoa quả tươi, trái cây… ít biến động.
Với mặt hàng gia cầm, mặc dù nhu cầu mua gà cúng Rằm tháng Giêng tăng mạnh nhưng giá bán đã giảm nhẹ so với trong Tết, hiện chỉ ở mức 150.000-170.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng thịt lợn như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức 100.000-150.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng; thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp… giá từ 230.000-320.000 đồng/kg…
Với mặt hàng thủy, hải sản tươi sống, giá bán vẫn duy trì như ngày thường, không xảy ra tình trạng tăng giá. Hiện cá rô phi dao động 40.000-45.000 đồng/kg, cá lăng 130.000 đồng/kg, cá trắm đen 150.000 đồng/kg; cá chép giòn 200.000 đồng/kg…
Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống có giá cả ổn định mà hoa quả cũng trong tình trạng ổn định về giá cả mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh. Hiện thanh long có giá 45.000-50.000 đồng/kg; bưởi 25.000-30.000 đồng/quả; xoài Cát Chu 55.000-80.000 đồng/kg; roi đỏ ở mức 70.000 đồng/kg; táo 100.000-120.000 đồng/kg.
Thời điểm này, mặt hàng hoa tươi ghi nhận lượng tiêu thụ cao, giá tuy có giảm nhưng cũng không nhiều. Giá hoa ly dao động ở mức 130.000-140.000 đồng/chục, hoa huệ giá 90.000-120.000 đồng/chục, hoa hồng giá 60.000-70.000 đồng/chục, hoa cúc giá 50.000-60.000 đồng chục…
Tuy giá rau xanh đã dần "giảm nhiệt", song so với thời điểm trước Tết vẫn đứng ở mức cao. Hiện cải chíp, bắp cải có giá 15.000/kg; hoa lơ xanh có giá 10.000-15.000 đồng/cái, hoa lơ trắng có giá 15.000-20.000 đồng/cái, rau cần 10.000 đồng/mớ. Cao nhất vẫn là su hào, có giá 10.000 đồng/củ.
Ngoài chợ truyền thống thì tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Fuji Mart, Winmart, Tops Market... thực phẩm tươi, rau và hoa quả cũng khá dồi dào, lượng khách tăng cao.