“Ngay cả khi dòng tiền về không kịp, có thể âm tới 5.000 tỷ đồng, liên danh Hoa Lư vẫn có nguồn tiền đảm bảo làm dự án nhà ga sân bay Long Thành”.
Liên danh Hoa Lư đặt trọn niềm tin vào Coteccons (CTD)
Liên danh Hoa Lư (Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An, Coteccons) tham gia đấu thầu gói thầu 5.10, gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành có tổng giá trị hơn 35.233 tỷ đồng đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư.
Điều được đặc biệt quan tâm là năng lực tham dự thầu của Liên danh Hoa Lư khi Hòa Bình (HBC) - một mắt xích quan trọng của liên danh vừa trải qua cuộc nội chiến cùng với việc dòng tiền suy yếu, kết quả kinh doanh kém sắc (lỗ nặng nhất trên sàn chứng khoán trong quý 1/2023).
Đại diện các doanh nghiệp trong Liên danh Hoa Lư |
Đáng chú ý, tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, đích thân ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình khẳng định “Chúng tôi còn có sự cam kết của Coteccons. Nếu có bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra về tài chính với Hòa Bình hay thành viên nào trong liên danh thì Coteccons - người đứng đầu liên danh sẽ hỗ trợ. Tôi nghĩ đó là điều kiện khiến tôi cảm thấy rất an toàn cho liên danh".
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Central nói rằng ngoài việc đảm bảo về khả năng thực thi, thi công, liên danh cũng đã có những đảm bảo về khả năng tài chính. Theo tính toán, ngay cả khi dòng tiền về không kịp, có thể âm tới 5.000 tỷ đồng, nhưng Liên danh vẫn có nguồn tiền đảm bảo từ Coteccons cũng như các ngân hàng BIDV, VietinBank, MBBank, TP Bank. Theo BCTC của CTD, cuối quý 1/2023, công ty có hơn 4.000 tỷ tiền mặt.
Điều gì tạo nên cái bắt tay giữa các đối thủ làng thầu trong siêu dự án Long Thành?
Là những doanh nghiệp đình đám, cạnh tranh nhau trên thương trường xây dựng. Việc các ông lớn làng thầu bắt tay nhau tham gia cuộc đua tuyển chọn gói thầu 35.000 tỷ đem lại nhiều bất ngờ
Chia sẻ về sự hợp tác này, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải cho biết đây là lúc gạt bỏ những cái tôi cá nhân để hướng đến lợi ích chung, đồng hành cùng nhau.
Phía đại diện Coteccons cho biết tài chính không phải vấn đề cốt lõi quan trọng nhất. Điều quan trọng là có thể chiết xuất ra những điểm mạnh nhất của mỗi thành viên trong liên danh để bổ trợ cho nhau, hòa với nhau thành bức tranh tổng thể.
Sự tin tưởng của các công ty xây dựng đối với Coteccons có thể đến từ chính sự chuẩn bị kỹ càng cho siêu dự án này cùng lập trường kinh doanh của CTD.
Chủ tịch HĐQT Coteccons - Bolat Duisenov |
Người dẫn đầu liên danh, Chủ tịch HĐQT Coteccons - Bolat Duisenov cho biết kế hoạch xây dựng nhà ga sân bay này đã được họ nghiên cứu và soạn thảo trong khoảng một năm. Những dự án khó sẽ thu hút những người giỏi nhất.
Ông Bolat Duisenov khẳng định "Bản chất của ngành xây dựng không phải là cạnh tranh mà là đồng sáng lập, đồng tái tạo, đồng sáng kiến, đồng chí hướng và đồng lòng. Tôi tin rằng Hoa Lư với một trái tim nhiệt huyết như vậy, sẽ không có điều gì cản bước được. Tôi cho rằng đây là điểm vô cùng khác biệt với liên danh khác".
Trước đó, người đứng đầu Coteccons từng thể hiện quan điểm khác biệt trên thương trường, không coi việc “đối thủ sảy chân” là cơ hội của bản thân.
2 ông lớn làng thầu HBC, CTD |
Cụ thể, hồi đầu năm 2023, trả lời câu hỏi "Hòa Bình (HBC) - đối thủ của đang gặp khủng hoảng nội bộ. Coteccons có nghĩa đây là cơ hội của mình không? Ít nhất là trong việc đoạt lại vị trí doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam - xét theo doanh thu? Coteccons đánh giá như thế nào về sự trỗi dậy của "hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương" - với những Ricons, Newtecons. Năm 2021, 2 công ty này đã có doanh thu khoảng 20.000 tỷ đồng, vượt qua CTD, HBC", ông Bolat cho hay "Nếu là một công ty mà cũng so sánh mình với người khác thì không lẽ lúc nào chúng ta cũng phải tìm cách thay đổi và không được là chính mình.”
Chủ tịch CTD nhấn mạnh “Chúng tôi biết rõ mình cần phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng công ty lớn mạnh. Tầm nhìn của chúng tôi sẽ không thay đổi chỉ vì người ta nói "nhìn con nhà người ta kìa". Chúng tôi có cách riêng của mình và con người của chúng tôi chia sẻ tầm nhìn đó".
Sức khoẻ của doanh nghiệp dẫn đầu liên danh Hoa Lư
2022 là năm đáng nhớ của Coteccons , đánh dấu cho bước nhảy vọt đầu tiên dưới triều đại Bolat Duisenov. Đây là năm đầu tiên sau “thời kỳ nội chiến” (2019-2020), doanh thu của CTD ghi nhận mức tăng trưởng dương (tăng 60% YoY) đạt 14.537 tỷ đồng, giành lại ngôi vương doanh thu ngành xây dựng từ tay HBC.
Kết quả lạc quan này chủ yếu đến từ hai quý cuối với mức tăng bằng lần trong khi sự tiêu cực bao trùm toàn ngày. Theo CTD, nếu loại trừ chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 300 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng ngoài dự kiến 388 tỷ đồng đã làm giảm lợi nhuận sau cùng, song không có nghĩa là mất đi khoản lợi nhuận đó. Trong tương lai, khi việc thu hồi công nợ có tiến triển thì lợi nhuận có thể tăng đột biến bởi sẽ được hoàn nhập khoản dự phòng khổng lồ này.
Năm 2023, CTD tự tin đặt kế hoạch kinh doanh khủng với 16.249 tỷ đồng doanh thu; 233 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 11 lần cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế nửa cuối năm dự tăng 880% lên 44 tỷ.
CTD trở lại top 1 doanh thu ngành xây dựng trong năm 2022 |
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của CTD tăng 6% so với đầu năm, vượt mức 20.000 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 56% với 11.317 tỷ đồng, chủ yếu từ khách hàng và đã được trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng.
Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và CTCP Đầu tư Minh Việt. Coteccons đã thành lập hội đồng thu nợ, năm 2022 cũng đã triển khai ban quản trị nợ rủi ro. Việc kiểm soát các khoản nợ xấu được thực hiện theo định kỳ và thường xuyên, dựa vào sức khoẻ tài chính của chủ đầu tư và tình hình thị trường.
Quý 1/2023, Coteccons chi 254 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ gồm CCQ KIM GROWTH VN30 ETF (49,5 tỷ), FPT (hơn 31 tỷ), MWG (gần 24 tỷ), song, trích lập dự phòng gần 61 tỷ, tức tạm lỗ 24% tại ngày 31/3/2023. Tuy nhiên, quyết định giảm VAT 2% cùng loạt chính sách kích thích tiêu dùng được tung ra đã kích hoạt đà tăng của cổ phiếu bán lẻ, theo đó, FPT và MWG tăng lần lượt 26% và 15% so với thời điểm kết quý 1/2023. Điều này mang đến tác động tích cực đối với hoạt động đầu tư nói riêng và tình hình kinh doanh nói chung của CTD.
Điểm sáng về mặt tài chính của CTD là lượng tiền mặt cuối tháng 3/2023 tăng đến 52% lên hơn 4.000 tỷ đồng. Phía Coteccons khẳng định, với nhu cầu lớn về dòng tiền trong khi thị trường tài chính rất chật vật trong năm 2022, CTD vẫn hoàn toàn đảm bảo thanh khoản, việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong phạm vi an toàn, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm doanh nghiệp cùng ngành.
Thực tế lượng tiền mặt đã được cải thiện mạnh mẽ trong quý 4/2022 nhờ vào năng lực đàm phán với các nhà thầu phụ, thu xếp các khoản phải trả, giúp nâng cao tính cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các dự án. Việc này giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh của CTD được khôi phục và gia tăng khả năng tạo ra thu nhập tài chính từ các khoản tiền gửi trong tương lai.
Quý 1/2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh lên 1.239 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 325 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 405 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 85 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 1/2023 của CTD |
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng 10% lên hơn 11.800 tỷ đồng. Trong đó 498 tỷ vay dài hạn bao gồm 471 tỷ dư nợ trái phiếu, còn lại là dư nợ vay từ ngân hàng.
Lãnh đạo Coteccons khẳng định, mặc dù không có bất kỳ sai phạm nào trong quá trình phát hành, nhưng trước tâm trạng lo ngại của một số cổ đông do ảnh hưởng từ các vấn đề liên quan đến trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khác, Coteccons sẵn sàng mua lại theo đúng cam kết.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chậm đóng 14 tháng BHXH cho người lao động
Hòa Bình (HBC) bắt tay với đối tác lớn, thâm nhập thị trường xây dựng quy mô 172 tỷ USD