Doanh nghiệp

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối

Tây Côn - Minh Long 10/07/2024 - 12:56

Sau nhiều ngày tiếp cận và lần theo các dấu vết, phóng viên phát hiện một sự thật khủng khiếp. Khu xử lý chất thải Quang Trung do Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, thành viên Tổng Công ty Sonadezi làm chủ đầu tư xả nước thải màu nâu đen ra con suối bên cạnh dự án. Dòng suối này chảy về phía hạ lưu với điểm tiếp nhận là sông La Ngà.

Dự án Khu xử lý chất thải Quang Trung có diện tích gần 130ha nằm trên địa bàn xã Quang Trung, huyện Thống Nhất hoạt động vào năm 2009. Sau 15 năm, dự án hiện đang triển khai xây dựng và vận hành trên phần diện tích phía đông mặt bằng tổng thể. Giữa hai khu vực đang hoạt động (khoảng 60%, phía đông) và bỏ trống (khoảng 40%, phía tây) được ngăn cách bởi con đường nhựa có bề mặt cắt ngang khoảng 10m.

Hàng tấn rác lộ thiên

Lúc 9h15 phút sáng ngày 2/7/2024, cột khói trắng từ ống xả của một khu nhà xưởng có chức năng xử lý chất thải nguy hại nằm trong Khu xử lý chất thải Quang Trung toả ra nghi ngút, cao hàng chục mét và loan ra diện rộng khắp một vùng trời.

Một chiếc xe ben không có nắp đậy chở rác từ từ di chuyển trên con đường đất vào bãi chôn lấp rác thải, nơi được bố trí các ô chôn từ số 5 đến số 14 (theo bản đồ quy hoạch 1/500 Khu xử lý chất thải Quang Trung). Chiếc xe chạy thẳng đến ô đang được mở bạt, có 3 chiếc xe máy xúc hoạt động. Tài xế lùi xe vào ô, nâng ben đổ rác. Tài công xe máy xúc điều khiển gầu cào hết lượng rác còn sót lại xuống đất trước khi ép vào ô.

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối ảnh 1
Cột khói nghi ngút và bãi chôn lấp rác lộ thiên.

Công đoạn này mất khoảng vài phút. Sau đó, xe ben tiếp tục di chuyển trên con đường đất về phía cuối bãi rác dưới chân đồi - nơi cao nhất của Khu xử lý chất thải Quang Trung. Tiếng động cơ dồn dập vang động một vùng. Chiếc xe chạy đến góc bãi chôn lấp rồi trở ra ngoài, ngang qua khu nhà xưởng đang xả khói trước khi tiến đến cổng chính.

Quy trình vận hành này tiếp tục được lặp đi lặp lại, lần lượt từng chiếc xe chở rác chạy đến rồi chạy đi. Thấp thoáng bóng dáng một hai nhân công đi bộ trên những ô chôn lấp được phủ bạt. So sánh với quy hoạch 1/500, vị trí tiếp nhận rác vào sáng 2/7/2024 thuộc ô số 10. Phía bên trái được ngăn cách bởi con đường đất là ô số 7 dù không tiếp nhận rác, không có xe máy xúc hay nhân công làm việc nhưng không được che đậy cẩn thận, hàng tấn rác sinh hoạt lộ thiên.

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối ảnh 2
Tấm bạt che đậy bị rác, rác thải trộn lẫn với nước đọng.

Trên những ô chôn lấp khác được phủ bạt có vô số thùng nhựa hình vuông được lắp đặt không ngay ngắn, cách nhau chừng 10-20m. Bề mặt các ô đọng lại hàng trăm vũng nước mưa lớn nhỏ. Một phần tấm bạt phủ trên bề mặt ô chôn lấp số 8 (liền kề ô số 7 không được che đậy), bị rách tả tơi, rác thải sinh hoạt trồi lên trộn lẫn với những vũng nước đọng. Toàn bãi chôn lấp khá nặng mùi!

Xả thải ra suối

Hơn 9h45 phút, chúng tôi men theo con đường rừng đầy sỏi đá và cây cối um tùm, cỏ dại cao ngang đầu để tiếp cận vào khu đất gần nhà xưởng đang xả khói. Vị trí này nằm về phía tây bãi chôn lấp vừa nêu, cũng là nơi có con đường nhựa chia đôi Khu xử lý chất thải Quang Trung. Được biết, đây là khu đất được quy hoạch dành cho công tác thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải phù hợp nhưng hiện nay chưa được triển khai.

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối ảnh 3
Ô rộng hàng ngàn mét vuông chứa nhiều nước đục tại khu vực phía tây bãi chôn lấp.

Trước mắt phóng viên là một ô rộng hàng ngàn mét vuông, sâu năm bảy mét xuống đất được lót bạt đen bên dưới nhưng thi công vô cùng cẩu thả. Một góc đọng lại vũng nước đục với nhiều ống nhựa bắt từ đáy lên đỉnh ô. Đối chiếu quy hoạch 1/500 thì không thấy xuất hiện thiết kế ô chôn lấp, ô chứa nước mưa hay ô chứa nước rỉ rác ở vị trí này. Về mặt bằng, khu đất có vị trí thấp hơn bãi chôn lấp rác đang vận hành với chênh lệch độ cao khoảng 15m.

Một tấm bạt màu đen được chủ đầu tư trải dọc vách đất thẳng đứng, kéo dài từ chân bãi chôn lấp xuống tới đường nhựa bên dưới. Từ trên cao, nước thải màu nâu đen có mùi hôi nồng nặc liên tục chảy theo tấm bạt xuống đất, sủi bọt. Dòng nước thải nặng mùi tiếp tục chảy theo con mương rộng chừng 1,5m - 2m được đào bên mép đường dưới hàng trụ điện đến vị trí khác trong Khu xử lý chất thải Quang Trung. Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty Sonadezi viết: “Hệ thống thu gom phía Tây của dự án sẽ theo mương chảy về suối Gia Dung và đến hồ Trị An”.

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối ảnh 4
Từ trên cao, nước thải màu nâu đen có mùi hôi nồng nặc liên tục chảy theo tấm bạt xuống đất, sủi bọt và tiếp tục chảy theo con mương đến vị trí khác trong Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Tuy nhiên, hình ảnh này vẫn chưa là gì so với những phát hiện động trời sẽ nêu tiếp dưới đây. Khoảng 11h trưa cùng ngày 2/7/2024, phóng viên phải rất khó khăn mới tiếp cận được khu vực phía đông Khu xử lý chất thải Quang Trung, nơi tiếp giáp với suối Hai Cô. Dòng suối nằm ẩn mình dưới thung lũng, một bên là vườn cao su, một bên là bãi chôn lấp rác thải, chênh lệch độ cao từ đáy suối lên đỉnh đồi khoảng 15-20m theo phương thẳng đứng.

Hai bờ là hàng trăm bụi tre um tùm, cây cối và cỏ dại rậm rập vươn mình che khuất bề mặt dòng suối. Hàng rào của Khu xử lý chất thải Quang Trung nằm sát mép con suối, được đổ nền bê tông và xây dựng bằng những tấm tôn xi măng cao hơn 2m, kéo dài dọc theo ranh dự án. Hàng chục ống nhựa cũ (loại được sử dụng cho các máy bơm nước công suất nhỏ mà người nông dân thường dùng để tưới cây) nằm vắt trên sườn đồi bãi chôn lấp, từ đỉnh xuống tới hàng rào dài hàng chục mét.

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối ảnh 5
Điểm cuối của các ống nhựa dẫn về một hốc đá bên dưới mặt đất, nằm trong khuôn viên Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Điểm cuối của tất cả các ống nhựa này đều gom về một hốc đá bên dưới mặt đất, sát mép hàng rào tôn phía trong khuôn viên dự án, diện tích khoảng 4m2 - 5m2. Bên trên được che bởi những tấm ván gỗ san sát nhau, người trưởng thành có thể đi lại được. Mấy tấm lưới nhựa màu xanh lá được treo ngang, chắn tầm nhìn từ trên xuống. Từ bên ngoài hàng rào có thể nghe rõ tiếng nước chảy rào rào bên trong.

Thông qua một khe hở của hàng rào, chúng tôi kinh hoàng phát hiện nước thải theo các đường ống chảy liên tục vào hốc đá. Bên trong hốc đá có lắp đặt một thùng nhựa hình vuông, loại được gắn trên những ô chôn lấp rác thải đã nêu ở phần trên. Nhiều ống nhựa đấu nối lộn xộn vào nhau, ống nhỏ nhất có đường kính khoảng 3-5cm, ống lớn nhất khoảng 30-40cm - ống này được cắm sâu xuống lòng đất, phần nhô lên cao khoảng 30-40cm.

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối ảnh 6
Nước thải màu nâu đen chảy vào hốc đá, bên trong hốc đá có nhiều ống nhựa cắm sâu xuống đất.

Hốc đá đọng lại rất nhiều nước thải. Nước thải màu nâu đen, bốc mùi nồng nặc từ các ống nhựa vẫn liên tục chảy vào hốc đá, một phần thẩm thấu vào lòng đất, phần còn lại len lỏi qua sỏi đá chảy ra suối Hai Cô. Suối Hai Cô dài khoảng 8km, lòng suối rộng 3-5m, chảy về nguồn tiếp nhận sau cùng là sông La Ngà - con sông lớn ở Đồng Nai. Nước thải tại đây có màu và mùi giống hệt nước thải chảy xuống mương ở khu vực phía tây bãi chôn lấp. Thời điểm phóng viên có mặt, trời không mưa, có nắng nhẹ.

Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, Công ty Sonadezi nêu: “Lượng nước thải hiện tại của Khu xử lý chất thải Quang Trung khoảng 412,11m3/ngày. Thực tế hiện nay xử lý khoảng 100m3/ngày, khi đi vào hoạt động với công suất tối đa xử lý khoảng còn lại lượng nước được tuần hoàn tái sử dụng. Lượng nước thải được đưa về xử lý tại trạm xử lý nước thải tập trung công suất 400m3/ngày để xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A và được tái sử dụng hoàn toàn, không thải ra ngoài môi trường….”.

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối ảnh 7
Cận cảnh nước thải thẩm thấu vào lòng đất, len lỏi qua sỏi đá chảy ra suối Hai Cô.

Thế nhưng thực tế lại khác xa những gì chủ đầu tư Khu xử lý chất thải Quang Trung trình bày trong phần phản hồi Ngày Nay và gửi Báo cáo đánh giá tác động môi trường (tháng 2/2024) lên Bộ Tài nguyên Môi trường tham vấn.

Chiều cùng ngày 2/7/2024, phóng viên đã trực tiếp liên hệ UBND huyện Thống Nhất để trao đổi một số thông tin liên quan đến mùi hôi và chất thải quanh Khu xử lý chất thải Quang Trung cũng như trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Chánh văn phòng UBND huyện Nguyễn Lê Trường Sơn tiếp nhận thông tin và cho biết sẽ “cung cấp theo đúng quy định”.

Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.

Vào năm 2011, Cục Cảnh sát Môi trường đã bắt quả tang Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Long Thành do một đơn vị thành viên Tổng Công ty Sonadezi là Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành làm chủ đầu tư xả nước chưa qua xử lý qua hệ thống ống ngầm ra rạch Bà Chéo rồi thông ra sông Đồng Nai. Cơ quan chức năng vào thời điểm đó cho biết, nước thải của KCN Long Thành đa số từ dệt nhuộm, độ độc cao.


Sonadezi Long Thành bị xử phạt 405 triệu đồng. Trước đó, năm 2009, Sonadezi Long Thành đã bị xử phạt 17 triệu đồng bởi nhà máy xả nước thải vượt tiêu chuẩn. Năm 2010, doanh nghiệp này bị phạt 31 triệu đồng vì không thực hiện đúng nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường….

>> Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 2: Dân khóc ròng với bãi rác lớn nhất tỉnh

Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 2: Dân khóc ròng với bãi rác lớn nhất tỉnh

Sonadezi Đồng Nai: Khi đứa con cưng trở chứng

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/sonadezi-dong-nai-dua-con-cung-tro-chung-bai-3-khu-xu-ly-chat-thai-quang-trung-xa-thai-ra-suoi-post148532.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối
    POWERED BY ONECMS & INTECH