Doanh nghiệp

Đại diện 3.000 doanh nghiệp tư nhân miền núi Đông Bắc hiến kế đưa 'Bộ tứ Nghị quyết' vào thực tiễn

Huy Hoàng 14/07/2025 - 06:13

Đại diện các doanh nghiệp tư nhân miền núi đã thẳng thắn hiến kế để "Bộ tứ Nghị quyết" không chỉ nằm trên giấy.

Ngày 13/7, Diễn đàn Kinh tế tư nhân miền núi Đông Bắc Bộ đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của hơn 100 doanh nhân trẻ đến từ Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp khu vực miền núi phản ánh khó khăn thực tế, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm đưa “Bộ tứ Nghị quyết” vào cuộc sống.

"Bộ tứ Nghị quyết" bao gồm Nghị quyết 57 (về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo), Nghị quyết 59 (hội nhập quốc tế), Nghị quyết 66 (cải cách pháp luật) và Nghị quyết 68 (phát triển kinh tế tư nhân) – được đánh giá là kim chỉ nam cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt tại các vùng khó khăn.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nam – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn nhấn mạnh: "Chuyển đổi số chính là con đường ngắn nhất để thu hẹp khoảng cách phát triển". Theo ông, Nghị quyết 57 đã được địa phương cụ thể hóa qua các giải pháp thực tiễn như truy xuất nguồn gốc sản phẩm (miến dong, trà bí xanh) và đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Đại diện 3.000 doanh nghiệp tư nhân miền núi Đông Bắc hiến kế đưa 'Bộ tứ Nghị quyết' vào thực tiễn
Diễn đàn Kinh tế tư nhân miền núi Đông Bắc Bộ, vòng đối thoại địa phương - Ảnh: VGP/HT

>> Hội doanh nhân đóng góp 40 tỷ USD cho Việt Nam: 'Tư nhân không xin đặc quyền, chỉ mong môi trường minh bạch'

Nghị quyết 59 cũng mang lại tác động tích cực, khi nhiều doanh nghiệp địa phương từng bước tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hội chợ chuyên ngành và xúc tiến đầu tư vùng.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng "trái tim" của Bộ Tứ chính là Nghị quyết 68, và nhấn mạnh: “Nếu không có kế hoạch hành động cụ thể, phân bổ nguồn lực rõ ràng, thì chính sách có hay đến đâu cũng sẽ bị chôn vùi dưới lớp thủ tục".

Từ góc nhìn của doanh nghiệp vùng cao biên giới, ông Đàm Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng cho biết: Đa phần doanh nghiệp ở đây là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu cả vốn, đất đai lẫn công nghệ. Điều đáng lo ngại là việc vắng bóng các doanh nghiệp đầu tàu khiến các doanh nghiệp nhỏ khó tham gia chuỗi giá trị lớn.

Bên cạnh đó, ông Tiến nêu rõ những bất cập trong hệ thống logistics và hạ tầng số tại khu vực cửa khẩu – nơi được kỳ vọng là “cửa ngõ” kinh tế. “Nếu Nghị quyết 68 không đi kèm hành động cụ thể, thì niềm tin vào khu vực kinh tế tư nhân sẽ khó được khơi dậy một cách bền vững", ông nói.

Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng đề xuất 5 trụ cột giải pháp: Hoàn thiện pháp lý, đầu tư hạ tầng số, hỗ trợ tài chính đặc thù, thu hút doanh nghiệp đầu tàu và đào tạo nhân lực theo nhu cầu địa phương.

Ông Đỗ Văn Định – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang cho rằng các startup địa phương đang bị "lấn sân" bởi các tập đoàn lớn. Theo ông, mục tiêu mà Nghị quyết 57 đặt ra là đầy tham vọng, nhưng thực tế lại cho thấy chỉ khoảng 5% startup hoạt động tại khu vực trung du và miền núi.

Ông Định kêu gọi cần có thêm “sân chơi thử nghiệm”, hỗ trợ tài chính và cơ hội tiếp cận thị trường dành riêng cho startup địa phương. Đồng thời, ông cảnh báo nếu môi trường kinh doanh còn tồn tại doanh nghiệp “ma”, trục lợi chính sách, thì hệ sinh thái kinh doanh sẽ khó phát triển bền vững.

Với khoảng 3.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Tuyên Quang, ông Định xác định 3 “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng: Chính sách phù hợp, hạ tầng đủ mạnh và niềm tin vào môi trường kinh doanh.

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Văn Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội cho rằng Nghị quyết 68 là một bước ngoặt lịch sử, khi đặt mục tiêu cụ thể về tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP, ngân sách và việc làm.

Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh: “Rào cản lớn nhất không nằm ở văn bản, mà ở thực thi”. Cụ thể, ba lực cản được chỉ ra là: Thể chế chưa đồng bộ giữa trung ương và địa phương; chuỗi phân phối lớn chiếm lĩnh thị trường trong nước; doanh nghiệp nhỏ thiếu năng lực tham gia chuỗi cung ứng.

Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội đề xuất ba nhóm giải pháp: tăng cường giám sát liên ngành, ưu tiên xúc tiến thương mại và quan trọng nhất – chuyển tư duy từ “hỗ trợ” sang “tin tưởng” doanh nghiệp.

>> Nghị quyết 68 mở đường: Hơn 24.000 doanh nghiệp đồng loạt gia nhập thị trường, thiết lập kỷ lục chưa từng có

Nghị quyết 68 mở đường: Hơn 24.000 doanh nghiệp đồng loạt gia nhập thị trường, thiết lập kỷ lục chưa từng có

Phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại trong thực hiện Nghị quyết 68

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-dien-3000-doanh-nghiep-tu-nhan-mien-nui-dong-bac-hien-ke-dua-bo-tu-nghi-quyet-vao-thuc-tien-296293.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đại diện 3.000 doanh nghiệp tư nhân miền núi Đông Bắc hiến kế đưa 'Bộ tứ Nghị quyết' vào thực tiễn
    POWERED BY ONECMS & INTECH