Sốt 2-3 ngày trẻ đã tím tái khó thở, cảnh báo dịch hô hấp vào mùa
Chưa đến giai đoạn đỉnh cao của bệnh nhưng số trẻ mắc bệnh hô hấp nặng tại các bệnh viện nhi đồng của TPHCM đã tăng đáng kể. Nhiều bé chuyển nặng rất nhanh chỉ trong 2-3 ngày.
Trẻ nhập viện là thở máy
Ôm con gái 5 tháng tuổi trong phòng cấp cứu của khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Thi Giang (dân tộc S'tieng, ngụ Bình Phước) cho biết, một tuần trước, con chị nhập viện trong tình trạng người tím tái, được mở nội khí quản, thở máy...
“Con sốt trước đó 3 ngày, ho ít, tôi cho con uống hạ sốt như bình thường. Đến tối ngày 3/10, đột nhiên cháu tím hết người, nên gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển cấp cứu lên thẳng Bệnh viện Nhi đồng 2 trong đêm. Bác sĩ nói, con viêm phổi nặng” – chị Thi Giang kể lại.
Đến ngày 8/10, mặc dù đã cai máy thở nhưng bé bị biến chứng tiêu chảy nặng, không tự ăn được, phải đeo ống xông để truyền dinh dưỡng qua đường mũi.
Nằm ngay giường bên cạnh là con chị Trúc (ngụ Bình Thuận) mới được 3 tháng tuổi. Bé sinh non khi mới 29 tuần, phải nằm lồng ấp 15 ngày nên sức đề kháng yếu, liên tục mắc viêm phổi tái phát. Khoảng 1 tháng nay mẹ con chị cứ vào viện ra viện liên tục vì các đợt viêm tiểu phế quản, viêm phổi của bé.
“Tối ngày 5/10, bé đang ở nhà không sốt, không ho, đột nhiên tím tái toàn thân, gia đình vội đưa con đi bệnh viện thì bác sĩ nói đã viêm phổi rất nặng, giờ vẫn phải nằm phòng cấp cứu chứ chưa được ra phòng -bệnh bình thường” – chị Trúc nói.
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, tính đến hôm nay (8/10), khoa đang điều trị hơn 200 trẻ, trong đó khoảng 20 bé bệnh nặng. Trong vòng hai tuần, lượng bệnh nhân nội trú tăng khoảng 25% so với tháng trước, số bệnh nhi ngoại trú cũng dần tăng ở các phòng khám.
"Bệnh hô hấp thường tăng từ khoảng tháng 9, cao điểm rơi vào tháng 11, năm nay bệnh tăng trễ hơn hai tuần so với các năm", bác sĩ Phong nói.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, lượng trẻ nhập viện do bệnh lý hô hấp cũng tăng khoảng hai tuần nay. Trong đó, bệnh viêm tiểu phế quản tăng nhẹ, với khoảng 4.700 ca mắc kể từ đầu năm.
'Đề phòng lây lan trong trường học'
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trung bình mỗi tuần có khoảng 17.000 ca viêm hô hấp cấp tính. Diễn tiến bệnh dao động theo mùa, cao nhất trong khoảng tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca mỗi tuần. Trong đó, trẻ em chiếm khoảng 60%.
Bác sĩ Phong cho biết, phần lớn trẻ nhập viện dưới 5 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 3 tuổi, bởi đây là nhóm có hệ miễn dịch còn yếu, khả năng chống chọi kém. Các triệu chứng thường gặp là ho, sốt, nặng hơn là khó thở. Nhiều trẻ cần hỗ trợ hô hấp như thở oxy, CPAP, thở máy...
Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu là do các siêu vi thông thường như Rrhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), adeno, cúm mùa…
Theo Sở Y tế TPHCM, vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là khi bước vào mùa tựu trường, tình hình bệnh hô hấp ở trẻ em thường có xu hướng tăng cao do các yếu tố thời tiết biến động và sự lây lan trong môi trường lớp học.
Để phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, ngành y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học, tăng cường theo dõi sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.
Phụ huynh cần lưu ý vấn đề dinh dưỡng, bù đủ nước, nước trái cây, điện giải cho trẻ, giữ vệ sinh môi trường, tránh nơi có khói thuốc lá, nơi đông người và tiêm chủng đầy đủ.
Viêm phổi là biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc các bệnh hô hấp. Phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng sớm của bệnh như trẻ có ho kèm thở nhanh hơn bình thường. Triệu chứng thở nhanh là dấu hiệu rất sớm để báo hiệu trẻ bị viêm phổi. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần lưu ý các dấu hiệu viêm phổi nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất như thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không uống được, tím tái. Những trẻ có khả năng mắc bệnh hô hấp nặng cần đặc biệt quan tâm là trẻ dưới 2 tháng tuổi; có một số bệnh lý bẩm sinh (tim, phổi); các bệnh lý thần kinh cơ (bại não); suy dinh dưỡng nặng; suy giảm miễn dịch bẩm sinh; có bất thường về nhiễm sắc thể do hội chứng Down… |