Tính đến cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Stavian Hóa Chất có vốn chủ sở hữu đạt khoảng 2.358 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với hồi đầu năm. Tuy nhiên tổng nợ phải trả cũng tăng 55% sau 12 tháng và hơn 5 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý khi toàn bộ số nợ này đều là nợ ngắn hạn.
Như đã đề cập, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký kết biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy hóa dầu Satvian Quảng Yên tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên (Stavian Quảng Yên).
Stavian Quảng Yên được thành lập tháng 9/2021 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty cổ phần Stavian Hoá Chất ( tiền thân là Công ty cổ phần Nhựa Opec – Opec Plastics) sở hữu 51%, Công ty Cổ phần Cảng hàng lỏng Hưng Yên (Hưng Yên Por) sở hữu 39% và 10% còn lại do ông Nguyễn Hồng Hiệp (SN 1973) sở hữu.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Stavian Quảng Yên là ông Nguyễn Đức Hà (SN 1978). Ông Hà cũng là cổ đông sáng lập, hiện giữ vị trí Phó Tổng giám đốc tại CTCP Stavian Hóa Chất.
Cổ đông nắm 51% Công ty Cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên tiền thân là Công ty Cổ phần Nhựa Opec – Opec Plastics, doanh nghiệp này được thành lập 11/09/2009 tại Hưng Yên, có vốn điều lệ ban đầu 55 tỷ đồng.
Cổ đông sáng lập bao gồm ông Đinh Đức Thắng góp 55%, ông Nguyễn Đức Hà góp 10% và ông Nguyễn Minh Tú đóng góp 35% vốn còn lại.
Đến tháng 7/2021, Công ty Cổ phần Nhựa Opec đổi tên thành Công ty cổ phần Stavian Hoá Chất. Cập nhật mới nhất tại tháng 3/2022, vốn điều lệ Stavian Hoá Chất đạt 2.300 tỷ đồng, ông Đinh Đức Thắng (SN 1978) giữ chức Chủ tịch HĐQT/người đại diện pháp luật công ty.
Ngoài giữ vai trò cao nhất tại Stavian Hóa Chất, ông Đinh Đức Thắng còn đang đứng tên đại diện cho loạt doanh nghiệp khác như: Công ty Cổ phần Stavian Địa ốc (Stavian Land), Công ty Cổ phần Tập đoàn Stavian (Stavian Group), Công ty TNHH Stavian Việt Nam Holdings (Stavian Việt Nam Holdings), hay Công ty Cổ phần Stavian Công nghiệp và Dịch vụ..
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Stavian Hoá Chất đạt khoảng 14.854 tỷ đồng, tăng 64% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 132%, lên 5.147 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là hàng hóa với 5.033 tỷ đồng.
Stavian Hoá Chất phát sinh gần 6 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Có 338 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, cụ thể xấp xỉ 244 tỷ đồng đầu tư vào công ty con và hơn 94 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên danh liên kết.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả Stavian Hoá Chất khoảng 12.946 tỷ đồng, tăng 55% sau 12 tháng và toàn bộ là các khoản nợ ngắn hạn.
Đơn cử như nợ vay tài chính của Stavian Hoá Chất tăng gấp đôi, từ 2.345 tỷ đồng lên 4.329 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác tăng từ 3.984 tỷ đồng lên 4.486 tỷ đồng...cho thấy doanh nghiệp đang gặp áp lực rất lớn trong việc thanh khoản các khoản nợ này trong ngắn hạn.
Tính đến cuối năm 2021, Vốn chủ sở hữu Stavian Hoá Chất đạt khoảng 2.358 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với hồi đầu năm.
Kết thúc năm 2021, Stavian Hoá Chất ghi nhận doanh thu xấp xỉ 24.461 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế khoảng 516 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 40 tỷ đồng.