Sửa Luật Báo chí: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí, mô hình tổ hợp truyền thông
Luật Báo chí sửa đổi sẽ đưa ra nhiều chính sách về thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng; mô hình tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí...
Sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) với Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi.
Ngoài ra, có 3 luật khác là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí sửa đổi, Luật Luật sư sửa đổi được Chính phủ đề xuất bổ sung, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
TAND Tối cao cũng đề xuất bổ sung vào chương trình dự án Luật Phá sản sửa đổi.
Liên quan đến Luật Báo chí sửa đổi, theo ông Dũng, Chính phủ đề nghị xây dựng với 4 chính sách: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Trong đó, dự kiến Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.
Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu.
Ngoài ra, lần này cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí; chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí...
Đề nghị làm rõ điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ủy ban của Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung của 4 chính sách được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về mối quan hệ giữa quy định về “tạp chí khoa học” với quy định về “tạp chí in”, “tạp chí điện tử”.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ hình thức “xử lý vi phạm” với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam và nghĩa vụ tham gia Hội đối với “người làm báo”.
Ông Tùng cũng lưu ý, cần làm rõ mô hình tổ hợp báo chí truyền thông bảo đảm phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, làm rõ hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; chính sách quản lý đối với trang thông tin điện tử tổng hợp...
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần thiết sửa đổi 1 nghị quyết và 5 luật trên.
Ủy ban Thường vụ đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và 4 luật (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí sửa đổi, Luật Phá sản sửa đổi).
Luật Luật sư sửa đổi chưa được bổ sung vào chương trình năm 2025 mà sẽ xem xét, đưa vào chương trình năm 2026.