Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp bị 'bào mòn' với gần 26.000 BĐS tồn kho
Lượng tồn kho chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền trên cả nước lên đến 25.937 sản phẩm là một trong những nguyên nhân "bào mòn" sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp.
Hàng tồn kho lớn: "Của để dành" hay "cục máu đông"?
Cuối quý III/2024, lượng tồn kho chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền trên cả nước lên đến 25.937 sản phẩm, tăng 52% so với quý trước.
Thông tin được Bộ Xây dựng công bố cho thấy tình trạng tồn kho bất động sản hiện nay với số lượng lớn. Trong đó, khoảng 4.688 căn hộ chung cư, 12.250 căn nhà ở riêng lẻ và gần 9.000 lô đất nền vẫn chưa bán được.
Danh mục hàng tồn kho bao gồm cả bất động sản đã hoàn thành và các dự án đang triển khai dở dang.
Lượng tồn kho chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền trên cả nước lên đến 25.937 sản phẩm. Ảnh: Internet |
Trong đó, các sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa bán được chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền và nhà liền thổ tại các khu vực vùng ven. Những sản phẩm này không thu hút được người mua vì giá bán cao, vấn đề pháp lý không rõ ràng hoặc vị trí kém thuận lợi.
Đối với phân khúc căn hộ chung cư, mặc dù đáp ứng nhu cầu ở thực, lượng hàng tồn vẫn cao do chưa được khách hàng đón nhận, đặc biệt ở Hà Nội và TP. HCM.
>> Vừa 'rời sàn', đất đấu giá vùng ven Hà Nội được rao bán chênh 200-500 triệu đồng
Phần lớn các sản phẩm này đến từ các dự án đang xây dựng nhưng chưa xác định thời điểm mở bán, hoặc các dự án triển khai dở dang phải tạm ngưng vì vướng mắc pháp lý. Đây cũng là nhóm sản phẩm chủ yếu góp phần vào tình trạng tồn kho, khiến khó khăn trên thị trường bất động sản khó giảm bớt.
Lối thoát nào cho các doanh nghiệp?
Trước bối cảnh này, Bộ Xây dựng khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động rà soát và tiết giảm chi phí, đồng thời tích cực áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng nhằm giảm giá thành sản phẩm, phù hợp với tình hình thực tế thị trường.
Tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" là định hướng mà Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp nên thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động xử lý các vấn đề pháp lý và nguồn vốn, tập trung mọi nguồn lực để giải quyết nợ xấu và tiếp tục triển khai các dự án, mở bán ra thị trường, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.
Lượng hàng tồn kho hiện đang là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp. Ảnh minh họa |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định rằng lượng hàng tồn kho đang là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị tài chính yếu hoặc phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính.
Khi không tạo được thanh khoản, hàng tồn kho này sẽ làm suy giảm sức mạnh tài chính của doanh nghiệp.
"Các chủ đầu tư cần nhanh chóng đưa ra chiến lược giải phóng hàng tồn kho, trong đó khả thi nhất là điều chỉnh giá bán", ông Châu đề xuất.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị các ngân hàng nên hỗ trợ về lãi suất và tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay mua nhà. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần giải quyết nhanh các vấn đề pháp lý để giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ và đưa dự án ra thị trường, giảm thiểu lượng hàng tồn.
Mặc dù lượng tồn kho lớn, giá bán các sản phẩm nhà đất trên thị trường vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP. HCM.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý III, giá chung cư tại Hà Nội và TP. HCM tăng ở cả các dự án mới và cũ. Giá sơ cấp trung bình tăng từ 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Một số khu vực thậm chí ghi nhận mức tăng cục bộ từ 35-40% chỉ trong vài tháng.
Ở phân khúc biệt thự và nhà liền kề, giá thứ cấp tại Hà Nội tăng trung bình 7% so với cùng kỳ, đạt khoảng 160 triệu đồng/m2. Tại TP. HCM, một số dự án thứ cấp vẫn chưa bán được, phải điều chỉnh giảm giá từ 3-4%, nhưng cũng có các dự án hưởng lợi từ hạ tầng, tăng giá từ 4-5%.
>> KTX trở thành 'cứu cánh' cho sinh viên khi giá nhà trọ tăng 'phi mã', gấp 10 lần giá KTX