Sau đợt sụt giảm kể từ đầu tháng 7/2021, thị trường chứng khoán những phiên có xu hướng hồi phục song ngày bùng nổ thanh khoản vẫn chưa xuất hiện nên chưa thể khẳng định thị trường đã tạo đáy. Nhiều nhà đầu tư cả cũ lẫn mới hiện vẫn trong trạng thái hoang khi dịch COVID-19 đang có xu hướng lây lan ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội (trước đó là TP. HCM).
Nhà đầu tư vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn
Theo góc nhìn của nhà phân tích Lê Thành Đạt, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có một nhịp điều chỉnh bình thường trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index chưa đánh mất xu hướng tăng dài hạn.
Trước tình hình dịch COVID-19, đặc biệt tại TP.HCM, vẫn đang có diễn biến phức tạp, không ít nhà đầu tư tỏ ra hoang mang, nhận định trên các diễn đàn mạng rằng, đợt dịch này khác các đợt trước, có thể bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới, thậm chí việc phòng chống dịch đứng trước nguy cơ “vỡ trận”; nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận sẽ giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế…
Đúng là tình hình dịch bệnh đợt này khác các đợt trước, nhưng những lo lắng, hoang mang, giao dịch theo cảm xúc… vẫn giống nhau.
Nhớ lại đợt dịch bùng phát lần đầu tiên vào tháng 3/2020, Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4/2020, cũng là những tâm lý tiêu cực đó, sự hoang mang đó, nhiều nhà đầu tư đánh giá tình hình dịch bệnh sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhu cầu sụt giảm, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc.
Nhưng kết quả là gì? VN-Index sau khi giảm điểm đã nhanh chóng hồi phục, không chỉ lấy lại điểm số đã mất, mà liên tiếp lập đỉnh mới.
Ở thời điểm này, các nhà đầu tư trở thành các chuyên gia dự đoán đỉnh dịch, chuyên gia phân tích vĩ mô, chuyên gia phân tích tình hình hậu COVID-19,… nhưng ít người là chuyên gia của chính mình, khi vẫn giao dịch dựa trên cảm xúc, không có kế hoạch nên quyết định giao dịch thường không mang lại hiệu quả.
Hãy lên kế hoạch và những hành động cụ thể. Hành động như thế nào khi thị trường tiếp tục điều chỉnh? Các tiêu chí để xác định VN-Index tạo đáy là gì? Tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu như thế nào là an toàn để chờ ngày thị trường tạo đáy?...
Chờ đợi tín hiệu tăng rõ rệt hơn
“Ngày bùng nổ theo đà” (Follow Through Day - FTD) là một dấu hiệu, một công cụ hiệu quả để xác định thị trường đã tạo đáy. Việc này được minh chứng qua nhiều đợt điều chỉnh trước đây. Ngày bùng nổ theo đà không phải là một công cụ dự đoán, mà dựa trên các tiêu chí và số liệu thị trường.
Trong hơn 1 năm qua, thị trường đã 3 lần xuất hiện ngày bùng nổ theo đà vào ngày 6/4/2020, 3/8/2020 và 3/2/2021 - đây cũng là các đợt tạo đáy của 3 lần bùng phát dịch COVID-19 trước đó.
Các tiêu chí để xác định ngày bùng nổ theo đà bao gồm:
- Đáy mới: khi thị trường chung đang trong xu hướng giảm, chỉ số chính (VN-Index, VN30, VN100) thiết lập đáy mới.
- Đợt nỗ lực phục hồi: sau ngày thiết lập đáy mới, chỉ số thị trường có mức đóng cửa cao hơn - dấu hiệu cho thấy chỉ số thị trường có thể đã chặn được đà giảm, tạo đáy xong và bắt đầu tăng trở lại.
Theo đó, ngày bùng nổ theo đà thường xuất hiện sau ngày thứ ba của đợt phục hồi, phổ biến nhất là xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ tư đến ngày thứ bảy, nhưng đôi khi có thể xuất hiện muộn hơn.
Lưu ý, chỉ số phải có một ngày tăng giá mạnh từ 1,2 - 2% với khối lượng giao dịch cao hơn.
Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta nên phòng thủ và chờ đợi ngày bùng nổ theo đà xuất hiện để xác nhận thị trường quay trở lại xu hướng tăng. Diễn biến thị trường các phiên gần đây cho thấy, giữa những lúc căng thẳng, những thông tin còn chưa rõ ràng thì thị trường đã có một số phiên tăng điểm trong sự nghi ngờ của số đông nhà đầu tư.
VN-Index đang rất gần với ngày bùng nổ theo đà, nhưng chúng ta cần đợi các tiêu chí đầy đủ và chính xác nhất, lúc đó sẽ là ngày “tổng tiến công” trở lại. Trong lúc chờ đợi, nhà đầu tư cần hành động gì để phòng thủ tốt và phản công mạnh mẽ nhất?
Vẫn động của thị trường trong tháng 8 ra sao?
Theo phân tích kỹ thuật, trên góc nhìn sóng Elliott, VN-Index sau khi hoàn thành sóng tăng 5 với đỉnh 1.425 điểm (mức cao nhất trong phiên 2/7) đã bước vào sóng điều chỉnh khi giảm xuống 1.225 điểm (mức thấp nhất trong phiên 20/7), tương ứng với mức giảm 200 điểm (-14%), hiện đang trong sóng hồi phục nhỏ với ngưỡng kháng cự trong vùng 1.300 - 1.325 điểm.
“Dựa vào một số đánh giá kỹ thuật khác cộng với việc các thông tin hỗ trợ dự kiến không còn nhiều, diễn biến thị trường trong tháng 8 nhiều khả năng sẽ tích lũy đi ngang trong vùng rộng từ 1.200 điểm tới 1.325 điểm”, ông Hiển dự báo.
Tháng 8 được coi là vùng trũng thông tin của thị trường khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 của các doanh nghiệp qua đi và thiếu thông tin hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khả quan gần như đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Do vậy, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBS) cho rằng, diễn biến thị trường trong tháng 8 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố vĩ mô với yếu tố trọng yếu mang tính chất chi phối toàn diện là tình hình dịch bệnh COVID-19, cũng như tốc độ triển khai chương trình tiêm vắc-xin.
KBS nghiêng về kịch bản tích cực với kỳ vọng đỉnh dịch sẽ sớm xuất hiện, số ca nhiễm mới hạ nhiệt và các biện pháp giãn cách được nới lỏng nhờ các động thái kịp thời và mạnh mẽ của Chính phủ. Nếu tình hình dịch được kiểm soát trong tháng 8, mức độ tác động đến vĩ mô và các ngành nghề, lĩnh vực sẽ chưa quá nghiêm trọng.