Xã hội

Suýt ly hôn vì 'cuộc chiến' Tết nội – Tết ngoại

Linh Chi 18/01/2025 15:15

Câu chuyện Tết nội - Tết ngoại không phải là chủ đề mới mẻ. Bởi vì đa phần các ông chồng đều muốn về bên nội ăn Tết, trong khi vợ lại muốn được về nhà mình.

Những ngày cuối năm, gần Tết Nguyên đán, câu chuyện Tết nội – Tết ngoại lại trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn, cãi vã.

Suýt ly hôn vì vợ muốn về nhà ngoại ăn Tết
Anh A. (41 tuổi) là con trai độc nhất. Bố mất sớm, anh A. rất thương và hiếu thảo với mẹ. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, vợ chồng anh cãi nhau to chỉ vì chuyện ăn Tết ở đâu. Sau 15 năm gắn bó, chị T. - vợ anh A. muốn được về nhà mẹ đẻ ăn Tết một năm. Chị bàn chuyện này với chồng từ trước Tết Nguyên đán 2 tháng. Gia đình chị T. cũng rất éo le, các em gái đều đi lấy chồng xa, bố đã mất nên Tết đến chỉ mình mẹ hiu quạnh. Chị em bàn bạc, chia nhau mỗi năm có một nhà về đón Tết cùng bà. Nhưng 15 năm qua, chị T. chưa được về nhà mẹ đẻ ăn Tết vì chồng là con độc nhất, nhà cũng neo người nên chị luôn ngần ngại, muốn lo chu toàn nhà nội trước.

Suýt ly hôn vì 'cuộc chiến' Tết nội – Tết ngoại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Năm ngoái, thương mẹ càng ngày càng già yếu, chị T. bàn với chồng về ngoại ăn Tết một năm. Tuy nhiên, khi vừa nhắc đến chuyện này, chồng chị đã gạt phăng đi và bày tỏ sự tức giận. "Nhà nội – nhà ngoại tôi cách nhau gần 300 cây số, vợ chồng tôi cùng con cái sống ở Hà Nội, nhà mẹ đẻ ở Nghệ An. Lúc chưa kết hôn, tôi đinh ninh mình sẽ công bằng, ăn Tết nội ngoại luân phiên, năm nay ăn Tết bên nội thì năm sau phải đón giao thừa bên ngoại. Nhưng chồng tôi dĩ nhiên không đồng ý vì anh ấy không muốn mẹ già lủi thủi ăn Tết một mình. Tôi biết suy nghĩ đó là đúng nhưng tôi không phục bởi nhà tôi cũng vậy. Nhà tôi lại toàn chị em gái, lấy chồng xa", chị T. nói.

Khi nhắc đến "cuộc chiến" Tết nội - Tết ngoại vào năm ngoái, chị rơm rớm nước mắt vì cả hai giận rất lâu, thậm chí còn suýt ly hôn vì không ai nhường ai. Thời điểm đó, chị T. nghĩ mình đã hết lòng với nhà chồng 15 năm qua, việc về quê ăn Tết với mẹ cũng rất chính đáng. Hơn nữa, chị cũng lo chu đáo mâm cỗ ở nhà nội, xin phép mẹ chồng và bà đã đồng ý. Nhưng chồng chị nhất quyết không nghe, còn mắng mỏ những lời rất khó nghe, cho rằng chị "bên trọng bên khinh", không biết suy nghĩ cho chồng con.

Suốt hơn 1 tháng trời, chị không nói chuyện với chồng câu nào. Không khí trong nhà vô cùng khó chịu, bí bách. Đỉnh điểm, chị hẹn anh ra ngoài để giải quyết mâu thuẫn và quyết định nếu vẫn không ai nhường ai sẽ ly hôn. Bất ngờ, anh đồng ý để chị và con gái về ngoại ăn Tết trước, anh sẽ ở lại với mẹ, xong mâm cỗ ngày mùng 1 Tết sẽ về quê ngoại sau. Anh nói rằng đã nói chuyện với mẹ rất nhiều lần, bà khuyên anh nên đứng ở vị trí của vợ để suy nghĩ. Hơn 1 tháng qua, anh cũng rất buồn và khó chịu khi vợ chồng không tìm được tiếng nói chung. Nhờ có mẹ chồng, mâu thuẫn của anh chị đã được giải quyết.

Hay như chị L. (33 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và chồng là anh H. (38 tuổi, quê ở Ninh Bình) cũng thường xuyên mâu thuẫn vì chuyện Tết nội - Tết ngoại. Vợ chồng chị L. sinh sống và làm việc ở Hà Nội nên việc về quê ăn Tết rất khó khăn. Mỗi dịp Tết đến, cả nhà khăn gói về quê chồng Ninh Bình, đến sáng mùng hai lại lên nhà ngoại.

Tuy nhiên, năm ngoái, anh H. nhất quyết chiều mùng 3 mới về quê ngoại ăn Tết khiến chị L. buồn bã. Chị nói: “Mình lấy chồng từ năm 25 tuổi, đến nay đã 8 năm nhưng năm nào nói đến chuyện về ngoại ăn Tết cũng rất khó khăn. Chồng mình tính gia trưởng, lại là con trai duy nhất trong nhà, bố chồng mất sớm nên anh luôn muốn ăn Tết cùng mẹ. Mình không phản đối điều đó và luôn chu toàn mọi việc. Con còn nhỏ nhưng mình vẫn sửa soạn mâm cỗ đầy đủ, mẹ chồng chưa chê trách điều gì. Thường sáng mùng hai cả nhà mình sẽ về Vĩnh Phúc ăn Tết nhà ngoại nhưng năm ngoái anh ấy nhất quyết chiều mùng 3 mới lên. Người ta vẫn nói 3 ngày Tết, đến mùng 3 mới lên thì còn gì ngày Tết nữa.

Hơn nữa, nhà ngoại làm nông nên khoảng mùng 3 nhiều người đã xuống đồng đi cấy lúa hoặc gieo lạc. Mình buồn lắm, cãi nhau to vì chuyện này”, chị L. trầm ngâm chia sẻ.

Chị L. cũng nói thêm rằng mẹ chồng rất tâm lý, thoải mái. Thấy các con năm nào cũng vất vả đi lại nhiều lần, bà còn khuyên cả hai bàn bạc, ăn Tết luân phiên ở nội và ngoại nhưng chồng chị không đồng ý.

Nếu như nhiều ông chồng luôn muốn vợ về ăn Tết quê nội thì anh T.P. (38 tuổi) lại vui vẻ đón Tết ở nhà ngoại. 8 năm kết hôn thì có đến 6 năm anh tình nguyện ăn Tết ở quê vợ. Anh T.P. quê ở Nam Định, vào Hà Tĩnh làm việc và lấy vợ quê Nghệ An. Vì khoảng cách xa xôi, điều kiện kinh tế không mấy dư dả lại gần nhà vợ nên vợ chồng anh tiết kiệm, thường chọn ăn Tết ở quê vợ. Gia đình anh T.P. cũng không mấy khó chịu vì điều này. Vừa thông cảm cho điều kiện con cái vừa tâm lý, cởi mở nên bố mẹ anh T.P. luôn khuyên các con lựa chọn thuận tiện nhất là được.

Bố mẹ anh cũng hiểu hoàn cảnh gia đình con dâu, có hai cô con gái thì cả hai đều lấy chồng xa nên luôn động viên con trai đưa vợ về quê ngoại ăn Tết để ông bà thông gia đỡ hiu quạnh. Vợ anh cũng là người hiểu chuyện, những ngày trước Tết luôn lễ lạt, sắm sửa chu toàn cho bố mẹ chồng, sau đó mới về ngoại. Những dịp lễ hay ngày đặc biệt khác trong năm, vợ anh cũng hoàn thành trách nhiệm của con dâu.

Suýt ly hôn vì 'cuộc chiến' Tết nội – Tết ngoại - ảnh 2
Ảnh minh họa

Làm thế nào để trọn vẹn Tết nội - Tết ngoại?
Câu chuyện Tết nội - Tết ngoại không phải là chủ đề mới mẻ. Bởi vì đa phần các ông chồng đều muốn về bên nội ăn Tết, trong khi vợ lại muốn được về nhà mình. Vì tâm lý này, nhiều gia đình rơi vào cảnh xích mích, các cuộc cãi vã. Để trọn vẹn Tết hai bên, các cặp vợ chồng nên chủ động sắp xếp thời gian hợp lý.

Các cụ xưa vẫn có câu: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Nghĩa là mùng một phải về bên bố mẹ chồng bên nội, lễ và chúc Tết các cụ bên nội, mùng hai sang chúc Tết gia đình bên ngoại. Đây là phong tục tập quán từ xưa đến nay của hầu hết gia đình Việt.

Hiện nay, nhiều cặp đôi thuận tiện về địa lý thường chọn buổi sáng mùng một chúc Tết bên bố mẹ chồng, buổi chiều sang bên nhà ngoại luôn. Đối với những người lấy chồng xa mới thường về quê ngoại vào ngày mùng 2 Tết.

Đặc biệt, muốn tìm được tiếng nói chung trong trường hợp này, các nàng dâu nên chủ động bàn bạc, trò chuyện cùng chồng để đưa ra giải pháp vẹn cả đôi đường. Nàng dâu cần chu đáo, trọn vẹn sắm lễ Tết, lo toan cho trọn vẹn, ứng xử hợp tình hợp lý thì dù xin phép về bên ngoại đón Tết, gia đình chồng cũng không quá khó khăn.

>>Tết đến, mua trái cây sấy khô tuyệt đối phải tránh 5 loại này kẻo rước bệnh vào người, thậm chí tăng nguy cơ ung thư

Hơn 93.000 lượt khách qua các bến xe TPHCM mỗi ngày dịp Tết Nguyên đán

Dự báo thời tiết cả nước vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/suyt-ly-hon-vi-cuoc-chien-tet-noi-tet-ngoai-135023.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Suýt ly hôn vì 'cuộc chiến' Tết nội – Tết ngoại
    POWERED BY ONECMS & INTECH