Một Chủ tịch tập đoàn bị lừa hơn 44.000 tỷ đồng
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng này chỉ được phát hiện và trình báo cơ quan chức năng khi nạn nhân đã qua đời.
Trước khi qua đời, ông Thẩm Ngọc Hùng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Taiya (Trung Quốc) , đã trở thành nạn nhân trong một vụ lừa đảo có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, khiến ông bị chiếm đoạt số tiền hơn 50 tỷ Tân Đài tệ (hơn 44 nghìn tỷ đồng). Các đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa bán vé máy bay quốc tế giá rẻ và đầu tư chương trình định cư để dụ dỗ ông góp vốn. Trong quá trình điều tra, cơ quan công tố phát hiện một phụ nữ họ La là một trong những kẻ cầm đầu, đã dùng khoản tiền chiếm đoạt vào mục đích tiêu xài xa hoa, như mua sắm hàng hiệu, xe hơi, mở nhà hàng sang trọng cho người thân và đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Bà La cùng trợ lý họ Trịnh và ba người khác đã bị bắt giữ và đang bị tạm giam, không được gặp người ngoài.
Tại nơi cư trú của các nghi phạm, nhà chức trách đã thu giữ nhiều tài sản có giá trị như tranh nghệ thuật nổi tiếng, túi xách đắt tiền, cùng nhiều xe sang nhập khẩu được cho là mua từ khoản tiền chiếm đoạt và hiện đã bị niêm phong. Gia đình ông Thẩm chỉ phát hiện vụ việc sau khi ông qua đời, nghi ngờ rằng ông đã bị lừa đảo số tiền lớn nên đã trình báo lên cơ quan chức năng, khởi đầu cho cuộc điều tra được mở vào đầu năm 2025.

Đáng nói, người phụ nữ họ La từng bị kết án tù vì hành vi lừa đảo. Sau khi được ân xá, từ năm 2019, bà bị nghi ngờ cấu kết với trợ lý đặc biệt họ Trịnh của ông Thẩm nhằm thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức. Theo lời khai, bà ta đã dụ ông Thẩm đầu tư vào các lô vé máy bay giá rẻ với lời hứa thu hồi toàn bộ vốn trong vòng ba tháng và đạt lợi nhuận lên đến 70% nhờ khoản chênh lệch. Sau đó, khi nắm được thông tin ông Thẩm có ý định làm hộ chiếu nước ngoài cho con, bà tiếp tục đưa ra các chiêu bài đầu tư định cư tại Anh và Úc, viện dẫn các mối quan hệ đặc biệt để chiếm đoạt thêm tiền.
Ông Trần Anh Hiên, Phó Giám đốc Đồn Song Hà trực thuộc Phòng Điều tra Thành phố Tân Bắc, Cục Điều tra Đài Loan, cho biết: "Sau khi lừa được số tiền lớn, bà La sống một cuộc đời xa hoa. Tình tiết vụ việc chẳng khác nào phiên bản Ký sinh trùng của Đài Loan. Các nghi phạm đã nhanh chóng tẩu tán số tiền chiếm đoạt thông qua việc mua siêu xe như Lamborghini, Lexus LM, mua sắm hàng hiệu Hermès, Louis Vuitton, đầu tư nhà hàng và chuyển tiền ra nước ngoài. Nhiều tài sản đứng tên người thân và bạn bè của các bị cáo, gây khó khăn đáng kể trong công tác truy thu”.

đắt đỏ. Ảnh AI minh họa
Theo cơ quan điều tra, đến nay gia đình ông Thẩm vẫn chưa thể thu hồi phần lớn số tiền bị chiếm đoạt, dù cơ quan công tố đang áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bất hợp pháp theo Luật phòng chống rửa tiền. Một số tài sản như xe hơi và tài khoản ngân hàng đã bị phong tỏa, nhưng tổng giá trị còn cách xa con số đã bị lừa.
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng này gây chấn động dư luận do các đối tượng phạm tội đều có quan hệ cá nhân thân thiết với nạn nhân, lợi dụng sự tin tưởng để từng bước dẫn dụ ông tham gia vào các “dự án đầu tư” với mức lợi nhuận phi lý, cam kết hoàn vốn, bề ngoài được xây dựng rất chỉn chu. Các chuyên gia tài chính cảnh báo, khi nhận được lời mời đầu tư có lợi nhuận bất thường hoặc thiếu minh bạch về pháp lý, người dân cần hết sức thận trọng, không chuyển tiền qua tài khoản cá nhân và phải xác minh kỹ lưỡng mọi thông tin trước khi đưa ra quyết định.
>> Truy tìm đồng phạm giúp cựu Phó Giám đốc ngân hàng chiếm đoạt 2.700 tỷ đồng
Tịch thu toàn bộ tài sản, tuyên án chung thân cựu Giám đốc công ty bảo hiểm chiếm đoạt hơn 4.700 tỷ
Diễn biến mới vụ cựu Phó Giám đốc ngân hàng chiếm đoạt 2.700 tỷ đồng