Tâm chấn nông, xảy ra vào sáng sớm và các công trình dễ bị sập là những yếu tố khiến trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 2.300 người chết.
Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết động đất mạnh 7,4 độ xảy ra lúc 4h17 (8h17 giờ Hà Nội) ngày 6/2 ở quận Pazarcik, gần thành phố Kahramanmaras, thuộc tỉnh cùng tên ở miền nam đất nước.
Cơ quan Địa chất Mỹ (USGS) đánh giá trận động đất mạnh 7,8 độ, tâm chấn ở độ sâu hơn 18 km. Đây là trận động đất mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu kể từ năm 1939.
Thực tế, sự việc không chỉ tác động đến Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn ảnh hưởng đến cả các nước láng giềng như Syria, Lebanon, Cyprus. Khu vực tây bắc Syria được coi là một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thương vong lớn và tăng nhanh. Chỉ sau chưa đầy 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra động đất, số nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá 2.300. Giới chức địa phương nhận định con số này có thể sẽ còn tăng do quy mô thảm họa là rất lớn.
Vậy nguyên nhân nào khiến số người thương vong trong trận động đất này lại lớn như vậy?
Cường độ lớn, chấn tiêu nông
Đầu tiên, đây là trận động đất lớn, có cường độ lên tới 7,8 độ. Chấn tiêu của vụ động đất cũng khá nông (chỉ khoảng 18 km), gây ra thiệt hại lớn với các tòa nhà trên mặt đất, BBC cho biết.
“Nếu xét đến các trận động đất chết chóc nhất năm trong 10 năm trở lại đây, chỉ có hai năm trận động đất đó có cường độ tương tự”, giáo sư Joanna Faure Walker, chuyên gia về giảm thiểu thiệt hại do thảm họa tại trường University College London (UCL), chỉ ra.
Trong khi đó, tiến sĩ Susan Hough, chuyên gia địa chấn học của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cho rằng yếu tố độ sâu và vị trí của trận động đất có thể giải thích tốt hơn cho thiệt hại mà Thổ Nhĩ Kỳ và Syria phải chịu đựng.
“Thế giới đã thấy nhiều trận động đất có cường độ mạnh hơn trong 10-20 năm qua”, bà Hough viết. “Nhưng các trận động đất xấp xỉ 8 độ ít xảy ra ở các khu vực đứt gãy ngang nông. Do gần các trung tâm dân cư, (động đất) có thể đặc biệt nguy hiểm".
Cơ sở hạ tầng thiếu kiên cố
Dù vậy, cường độ hay vị trí của động đất không phải nguyên nhân duy nhất. Sự thiếu kiên cố của cơ sở hạ tầng địa phương cũng là một nhân tố cần tính đến.
Theo Martin Mai, giáo sư địa vật lý tại Đại học King Abdullah, Arab Saudi chia sẻ: "Thổ Nhĩ Kỳ từng hứng chịu những trận động đất gây thương vong hàng nghìn người, một phần còn do cách xây dựng nhà cửa tại đây"
Các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ thường được xây bằng gạch, không có cốt thép, với khung bê tông thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh. Một số nhân chứng cho biết những tòa nhà được xây dựng theo quy chuẩn chống động đất vẫn đứng vững, trong khi nhiều căn nhà xung quanh sụp đổ, thậm chí bốc cháy.
"Pazarcik đã trở thành đống đổ nát", Huseyin Sati, cư dân Pazarcik, nói. "Tòa nhà nơi tôi sống không quá cao và được xây dựng đúng quy chuẩn nên không sập, nhưng vẫn bị nứt tường".
Hình ảnh trên truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nhiều tòa nhà cao tầng sụp đổ hoàn toàn, trở thành đống đổ nát chôn vùi nhiều người bên dưới.
Tại Syria, sập nhà cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó tỉnh Idlib, tây bắc nước này, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất. Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria đối lập mô tả tình hình ở khu vực là "thảm kịch", với nhiều tòa nhà đổ sập hoàn toàn, người dân mắc kẹt phía dưới.
Idlib, tỉnh có dân số khoảng 4 triệu người, vốn bị tàn phá nặng nề trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm, với hàng triệu người đang phải sống trong các khu vực dành cho người mất nhà cửa. Một số tỉnh khác ở Syria như Hama, Aleppo và Latakia cũng chịu thiệt hại đáng kể.
Phần lớn nhà cửa ở các khu vực này đều bị hư hại do chiến sự và dễ dàng sụp xuống khi xảy ra động đất. Việc giám sát an toàn xây dựng còn lỏng lẻo tại khu vực cũng khiến các công trình khó chống chịu rung lắc.
Động đất xảy ra vào sáng sớm
Yếu tố khiến thương vong cao là thảm họa xảy ra vào sáng sớm, khi đa số người dân đang ngủ, khiến họ không kịp thoát thân và mắc kẹt trong đống đổ nát.
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu, không thể kịp thời giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt.
"Thật không may, chúng ta còn gặp khó khăn với thời tiết cực đoan", Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết. Nhiệt độ ở Gaziantep hôm nay được dự báo xuống -6 độ C. Ankara đã kêu gọi trợ giúp từ cộng đồng quốc tế để ứng phó với thảm họa.
Dòng người tìm cách tháo chạy khỏi các khu vực chịu thiệt hại còn gây ra tình trạng tắc đường, cản trở nỗ lực của các lực lượng cứu hộ. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân không đổ xô ra đường. Các nhà thờ Hồi giáo được mở cửa làm nơi sơ tán cho những ai không thể trở về nhà giữa thời tiết lạnh giá.
Tại Syria, hình ảnh trên truyền hình nhà nước Syria cho thấy các nhóm cứu hộ tìm kiếm người sống sót dưới mưa tuyết. Các phòng khám vốn ít ỏi trong khu vực trở nên quá tải khi số người bị thương được đưa đến quá lớn.
Dựa trên mô hình được xây dựng từ các trận động đất trong quá khứ, USGS ước tính số người chết ở trong khoảng 1.000-10.000. Cơ quan này nhận định thiệt hại kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1-10 tỷ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên hứng chịu động đất. Năm 1999, chấn động mạnh 7,6 độ xảy ra ở thành phố Izmit, đông nam Istanbul làm hơn 17.000 người thiệt mạng. Năm 2011, một trận động đất xảy ra ở thành phố miền đông Van làm hơn 500 người chết.
Vừa xảy ra hai trận động đất liên tiếp ở Quảng Nam
Cuối năm nay, Việt Nam sẽ đón thêm một sân vận động đạt chuẩn quốc tế