Bộ Công Thương khẳng định, Nhà nước chỉ điều hành và quy định đối với giá bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối có quyền quyết định giá bán buôn.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã kiến nghị liên quan đến tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến họ chịu thua lỗ. Từ đó, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán ra.
Liên quan đến vấn đề này, phía Bộ Công Thương thông tin, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô, không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.
"Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường. Đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước", Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu. Nhà nước không nên can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các doanh nghiệp, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.
Giải đáp về việc hiện tượng giá bán buôn xăng dầu có thời điểm cao hơn giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cũng cho hay, theo quy định tại Khoản 27, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Bộ này khẳng định, nhà nước chỉ điều hành và quy định đối với giá bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối có quyền quyết định giá bán buôn xăng dầu. Như vậy, giá bán buôn xăng dầu được xác định hoàn toàn theo các quy luật thị trường (quy luật cung cầu, quy luật giá cả, quy luật giá trị...) do đó, giá bán buôn sẽ biến động liên tục lúc cao, lúc thấp và do các yếu tố trên thị trường quyết định.
Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định khoảng 10 ngày/lần, trong khoảng 10 ngày đó, nếu giá bán lẻ được giữ ổn định sẽ có những lúc có thể thấp hơn giá bán buôn.
Ngoài ra, các chi phí cấu thành giá bán lẻ được rà soát, công bố định kỳ (6 tháng/lần) nên có những giai đoạn, nhất là trong thời gian vừa qua thị trường chịu ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, địa chính trị, chi phí tăng cao nhưng chưa kịp phản ánh vào giá bán lẻ do nhà nước công bố, trong khi giá bán buôn luôn được cấu thành từ các chi phí thực tế phát sinh nên sẽ có thể chênh lệch cao hơn giá bán lẻ.
"Kể cả trong trường hợp giá bán lẻ không phải do nhà nước điều hành cũng như các hàng hóa khác trên thị trường. Hiện tượng giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ vẫn có thể xảy ra do khi mua vào giá cao, nhưng sau đó cầu giảm hoặc cung tăng, để cạnh tranh hoặc giảm chi phí lưu kho, các doanh nghiệp vẫn buộc phải bán lẻ với giá thấp hơn giá bán buôn", Bộ Công Thương cho hay.
Tại kỳ điều hành ngày 11/10 vừa qua, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 560 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, dầu diesel tăng 1.980 đồng/lít lên 24.180 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.
Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 27 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.000-22.000 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.