Tăng 31% sau hơn 1 tuần, cổ phiếu Vĩnh Hoàn (VHC) vượt đỉnh lịch sử

27-05-2022 11:36|Minh Khuê

Nếu tính từ đáy hồi giữa tháng 5/2022, cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn đã có nhịp tăng hơn 31% sau chưa đầy 10 phiên.

Cùng với đợt lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán những tuần gần đây, cổ phiếu của "nữ hoàng" ngành cá tra là Vĩnh Hoàn (VHC) có thời điểm lao mạnh về sát ngưỡng 80.000 đồng - giảm 25.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau ít phiên giao dịch giữa tháng 5/2022. 

Tuy nhiên, mã bắt đầu ghi nhận sự hồi phục mạnh ngay sau đó với phiên gần nhất ngày 26/5 tăng 1,5% lên mức 102.000 đồng qua đó ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp.

Mức giá hiện tại của VHC đang tiến sát về vùng đỉnh cũ đạt được trong phiên 26/4 là 106.400 đồng/cổ phiếu, chỉ còn cách hơn 4%. Vốn hóa tương ứng đạt 18.700 tỷ đồng - tăng gần 8% so với đầu tháng 4.

Bước sang phiên sáng 27/5, cổ phiếu VHC bất ngờ tăng mạnh 4,9% lên mức 107.000 đồng (lúc 11h20) với thanh khoản tạm tính đạt 1,5 triệu cổ phiếu - vượt phiên ngay trước đó. Như vậy, nếu tính từ đáy hồi giữa tháng 5, cổ phiếu VHC đã có nhịp tăng hơn 31% sau chưa đầy 10 phiên.

Thông tin hỗ trợ tốt cho cổ phiếu này được cho là đến từ nền tảng cơ bản với kết quả kinh doanh tăng trưởng. Doanh thu trong tháng 4/2022 đạt 1.651 tỷ đồng - tăng 98% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20% so với tháng trước.

Lũy kế 4 tháng, doanh nghiệp cá tra báo cáo tổng doanh thu 4.924 tỷ đồng - tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, VHC đặt mục tiêu doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng - tăng 44%; lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng - tăng 36% so với cùng kỳ đồng thời cũng là kế hoạch cao nhất kể từ khi niêm yết.

Xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng trong quý II/2022

Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết,
4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thuỷ sản đạt gần 3,6 tỷ USD - tăng 44,5% so với cùng kỳ trong đó riêng tôm và cá tra đạt 2,31 USD.

Nguyên nhân sau do gần 2 năm kiềm chế vì dịch Covid-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát gia tăng. Xung đột Nga - Ukraine càng làm cho nguồn cung thủy sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.

Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra. Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra. Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới. Những yếu tố đó đã giúp cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá, với mức tăng trưởng 3 con số là 128%.

Theo ông Hòe, ngành thủy sản nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng và năm 2022 xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi hoàn toàn.

Cụ thể, thị trường đang hồi phục. Dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các thị trường sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ở mức cao so với năm 2021. Bên cạnh đó, thuế suất ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và các thị trường tiềm năng thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Mexico, Canada, Nhật Bản là những động lực then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cung ứng khác. Thị trường Trung Quốc cũng sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.

Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm 70%. Việc tăng giá khiến chi phí đầu vào các lại thực phẩm tăng và khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến thủy sản ưu tiên để cung cấp protein.

Dự báo quý II/2022, xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt 2,8 - 3 tỷ USD - tăng khoảng 36 - 38% so với cùng kỳ năm 2021 trong đó xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng cao, nhất là châu Âu khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng như cá tuyết, cá minh thái bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Đối với mặt hàng tôm, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đối với thị trường châu Âu, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu tôm vào châu Âu giảm trong quý III và bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý IV/2021, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD

Vĩnh Hoàn, Nam Việt hưởng lợi gì từ chính sách thuế của ông Donald Trump?

Bài thuộc chủ đề Thủy hải sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-31-sau-hon-1-tuan-co-phieu-vinh-hoan-vhc-vuot-dinh-lich-su-116570.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng 31% sau hơn 1 tuần, cổ phiếu Vĩnh Hoàn (VHC) vượt đỉnh lịch sử
    POWERED BY ONECMS & INTECH