Tăng giá bán điện, EVN vẫn lỗ nặng
Giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Do đó, EVN tiếp tục gánh lỗ nặng dù đã được tăng giá điện bán lẻ từ ngày 4/5.
Giá nhiên liệu vẫn cao
Trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, giá thành khâu phát điện hiện chiếm tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện ảnh hướng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.
Cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Cụ thể, giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,3 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.
Các thông số đầu vào mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước.
Cụ thể, giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Còn than pha trộn mua từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cũng có mức tăng rất cao so với năm 2021.
Mức tăng giá than pha trộn bình quân của TKV bình quân dự kiến 2023 là từ 29,6% đến 46% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Còn mức tăng giá than pha trộn bình quân dự kiến 2023 của Tổng công ty Đông Bắc từ 40,6% đến 49,8% (tuỳ loại than) so với giá than năm 2021.
Do khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng mạnh nên các nhà máy nhiệt điện khí (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1&2 và Bà Rịa) tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao.
Những yếu tố trên khiến giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao - trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% (năm 2023) tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Giá điện bán ra vẫn thấp hơn giá thành
Đại diện EVN cho biết thời gian qua các nguồn nhiệt điện phải tăng cường huy động để bù đắp sản lượng thiếu hụt của thủy điện do không đủ nước. Đây lại là nguồn điện có giá mua cao, khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cập nhật quý III/2023 tiếp tục tăng.
Ngoài ra, nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được đưa vào vận hành từ tháng 6/2023 (tổng số là 21 nhà máy, với tổng công suất 1.201,42MW) nên sản lượng điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong phương án giá bán lẻ điện bình quân cập nhật quý III cũng tăng so với phương án giá điện cơ sở (được điều chỉnh ngày 4/5/2023).
"Những yếu tố trên khiến giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh", một nguồn tin cho hay.
Điều đó cho thấy, EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính, bởi việc điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ 3% từ ngày 4/5 cũng giúp doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, trong các năm 2022-2023, EVN đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí với kết quả thực hiện được tiết kiệm chi phí trong 9 tháng đầu năm 2023 là khoảng hơn 4.300 tỷ đồng. Giá thành khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ giảm dần qua các năm. Năm 2020, giá thành các khâu này là 392,9 đồng/kWh nhưng ước năm 2023 vào khoảng 347 đồng/kWh.
Song thực tế, trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến vẫn lên tới hơn 28.700 tỷ đồng. Con số này đã giảm so với mức hơn 35.400 tỷ đồng của nửa đầu năm nhờ việc tăng giá điện hồi đầu tháng 5. Năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.
Như vậy, tính chung số lỗ năm 2022 và 8 tháng năm 2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đánh giá: Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; giá điện chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. |
Lạm phát tại Ukraine tăng mạnh
Giá điện hiện nay: Nguy cơ lợi nhuận của Nhà nước thành của doanh nghiệp