Tăng lương: Vui ít, lo nhiều

02-07-2023 10:47|Nguyễn Giang

Dù việc tăng lương là tín hiệu rất đáng mừng, thế nhưng, nhiều người được hưởng lương lại buồn vui xen lẫn, bởi nỗi lo giá cả cũng “đội nón” tăng theo. Thậm chí, lương chưa tăng, giá cả đã tăng…

tang-luong-vui-it-lo-nhieu-2.jpg
Từ ngày 1/7/2023 sẽ áp dụng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa

Nghị định số 24/2023 của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang chính thức có hiệu lực, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Nội vụ, nguồn kinh phí ngân sách tăng thêm trong năm 2023 khoảng 44 nghìn tỷ đồng. Việc tăng lương cơ sở được thực hiện theo nguyên tắc “bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, so với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Mức tăng tuyệt đối lên tới 310.000 đồng, tăng 20,8%, trong khi đó, những năm trước mức tăng chỉ dao động từ 60.000 - 200.000 đồng. Nếu lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì công nhân, viên chức sẽ được tăng khoản tiền lương tương đối. Mức tăng từ hơn 400.000 đồng cho tới hơn 2.000.000 đồng/1 tháng.

Đáng chú ý, ngoài điều chỉnh lương cơ sở, Chính phủ cũng trình Quốc hội tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Đồng thời tăng trợ cấp ưu đãi người có công và tăng các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Số tiền ngân sách cần có để chi cho các chính sách này khoảng 3.550 tỷ đồng.

Việc này cũng nhằm thực hiện chủ trương quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Xung quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, suốt 3 năm không điều chỉnh tăng mức lương cơ sở làm cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Do đó, quyết định tăng lương cơ sở trong thời điểm này là hợp lí, có ý nghĩa trước tình hình giá cả tăng nhanh nhưng xuống chậm như hiện nay.

Dù việc tăng lương là tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên, nhiều người được hưởng lương lại buồn vui xen lẫn, bởi đi kèm với niềm vui lương cơ sở được tăng là nỗi lo giá cả cũng “đội nón” tăng theo. Thậm chí, lương chưa tăng, giá cả đã tăng.

Cụ thể, từ ngày 4/5/2023 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (tăng 3%). Ngày 1/7, giá nước sạch ở Hà Nội điều chỉnh tăng lần một từ 5.973 đồng/m3 lên mức 7.500 đồng/m3 (đối với hộ sử dụng dưới 10 m3/tháng). Từ đầu năm 2024, giá nước sạch tăng lên mức 8.500 đồng/m3. Không chỉ vậy, với nhiều nhà có con vào đại học lại thêm một mối lo khi tháng 10 tới học phí sẽ tăng, kéo theo chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng tăng theo.

tang-luong-vui-it-lo-nhieu-1.jpg
So với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Ảnh minh họa

Bàn về câu chuyện tăng lương, tăng giá, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng lương, tăng giá là câu chuyện không còn mới mẻ, tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn, thì việc mức lương cơ sở đối với người hưởng lương từ ngân sách tăng là cố gắng rất lớn của Chính phủ.

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tăng lương cơ sở là chính sách tốt cho người lao động, người hưu trí. Tuy nhiên, cần có giải pháp kiểm soát tình trạng tăng giá theo tâm lý, mà cứ mỗi đợt điều chỉnh tiền lương là lại một đợt giá cả tăng như trước đây.

“Chúng ta phải có biện pháp thanh tra, kiểm tra các mặt hàng, tuyên truyền để người ta thấy việc điều chỉnh này là chung cho người lao động để giải quyết khó khăn, tránh tình trạng tát nước theo mưa theo tâm lý, chưa tăng lương giá cả đã tăng lên. Năm nay, theo dõi chúng tôi thấy mức tăng chưa có gì đổi mới là tín hiệu mừng. Như vậy, chúng ta điều chỉnh mức lương cơ sở lên sau 3 năm không điều chỉnh, bây giờ điều chỉnh như vậy cũng là cải thiện một phần đời sống cho cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo lương. Tạo động lực tốt để cho người lao động, người hưởng lương, cải thiện điều kiện và có lao động trách nhiệm và hiệu quả cao hơn”, ông Lê Đình Quảng chia sẻ.

Đồng quan điểm nhưng ở góc nhìn cởi mở hơn, bà Nguyễn Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, tăng lương là điều rất đáng mừng, nhưng tăng lương phải tính tới việc kìm giá, lạm phát. Thực tế ghi nhận câu chuyện tăng lương luôn kèm tăng giá. Đôi khi lương chưa tăng, giá cả đã tăng rồi.

“Nói đúng ra không hẳn là tăng lương, tăng giá, mà do lạm phát nên giá cả tăng liên tục. Vì thế giá tăng đâu có đợi lương, nên nói tăng lương tăng giá là cũng chưa hẳn đúng, mà phải nói điều chỉnh tiền lương bù trượt giá”, bà Nguyễn Lan Hương nói. Do vậy, bà Hương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát giá, phát triển thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm chất lượng, thu nhập cao cho người lao động.

“Riêng với nhóm công chức, viên chức, tiền lương còn quá thấp, cần điều chỉnh với mức độ cao thì tiền lương của khu vực công mới đuổi kịp tiền lương của khu vực tư. Thực hiện cải cách tiền lương, đưa lương về đúng giá trị thực, cắt giảm các khoản phụ cấp không cần thiết, trả lương theo vị trí việc làm… là những việc cần sớm thực hiện", bà Hương kiến nghị.

Chuyển 110.600 tỷ đồng còn dư của năm 2024 sang 2025 để thực hiện mức lương cơ sở

Tin vui về thu nhập cho cán bộ, công chức Thủ đô: Thành phố dự chi gần 10.000 tỷ/năm tăng thu nhập cho đối tượng này

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/tang-luong-vui-it-lo-nhieu-246720.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng lương: Vui ít, lo nhiều
    POWERED BY ONECMS & INTECH