Tăng trưởng kinh tế cuối năm sẽ khó “đẹp”

26-07-2021 11:21|Như Nguyễn (Tổng hợp)

Theo các chuyên gia, đại dịch tạo ra cơ hội vô cùng lớn để Việt Nam vươn lên vượt qua các đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong khu vực.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulight Việt Nam đánh giá, kết quả tăng trưởng kinh tế quý II/2021 là 6,61% và 6 tháng là 5,64% chưa thể hiện tác động chính yếu của đợt dịch lần thứ 4. Đợt dịch này sẽ tác động từ tháng 6, nên kết quả nửa đầu năm vẫn thể hiện tinh thần lạc quan nhờ việc thúc đẩy mạnh kinh doanh và hồi phục sức mua.

Ông Thành cho rằng, xuất khẩu được coi là “đầu kéo” cho tăng trưởng khi tăng 29% nhờ một số yếu tố như: kinh tế các thị trường xuất khẩu chính yếu của Việt Nam đều tăng mạnh. Thị trường Trung Quốc, Mỹ phục hồi kinh tế rõ rệt nên nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất cũng tăng như các mặt hàng thiết bị văn phòng, nội thất, dệt may, giầy dép….

Thị trường EU mặc dù còn yếu nhưng từ tháng 8 năm ngoái, Hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp các sản phẩm thủy sản, dệt may, giầy dép của Việt Nam sang EU được hưởng ưu đãi, giúp xuất khẩu sang EU tăng mạnh.

Tuy nhiên, ông Thành nhận định: “Chắc chắn kết quả tăng trưởng nửa cuối năm sẽ xấu hơn kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm”. Trong đó, nhiều ngành đang ở giai đoạn khó nhất như: du lịch, hàng không, dịch vụ… Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành bị phong toả khiến doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, với diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức nghiên cứu trong nước đều thay đổi dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, với các dự báo lạc quan nhất ở nước ngoài cũng giảm nhiều so với trước đó và đều dưới 6,5%.

Đánh giá về vấn đề này, ông Thành cho rằng: "Những con số dự báo tại thời điểm hiện nay không có nhiều ý nghĩa quan trọng. Tinh thần của chúng ta là thực hiện mục tiêu kép, những hoạt động kinh tế nào vẫn tổ chức được thì vẫn duy trì để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Điều này quan trọng hơn con số tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng năm nay cũng không phải vấn đề quan trọng.

Tăng trưởng còn phụ thuộc kịch bản dịch bệnh, nếu chúng ta kiểm soát thành công trong quý III, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường thì sẽ khác biệt ngay".

Động lực tăng trưởng hiện nay là sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Người lao động tại các khu công nghiệp lớn vẫn duy trì được là điều quan trọng. Cũng phải làm sao đảm bảo hoạt động sản xuất mặt hàng thiết yếu cho thị trường nội địa, đảm bảo chuỗi cung ứng không đứt gãy.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-truong-kinh-te-cuoi-nam-se-kho-dep-118669.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng trưởng kinh tế cuối năm sẽ khó “đẹp”
    POWERED BY ONECMS & INTECH