Tăng trưởng thương mại suy yếu mạnh, hé lộ sự kém sắc trong xuất khẩu trong quý 4/2022?

18-10-2022 10:47|Hoàng Anh

Diễn biến tăng trưởng xuất khẩu và xu hướng theo tháng của các thị trường chính cảnh báo rằng hiệu ứng mức nền thấp khó duy trì.

Tăng trưởng thương mại suy yếu mạnh trong tháng qua

Theo VDSC, Hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 9. So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt là 14,6% và 8,6%. So với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 9,9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 27,8% trong tháng 8/2022; kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với mức tăng 12,8% của tháng trước.

Điều này cho thấy bất chấp mức nền thấp của cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đại dịch, kim ngạch thương mại đã có sự suy yếu đáng kể. Lũy kế 9T2022, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 17,1% và 12,8% so với cùng kỳ.

Theo ước tính của TCTK, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 8,3% và 10,9% so với cùng kỳ trong 9T2022. Như vậy, nếu xét đến yếu tố giá thì xuất khẩu tăng khoảng 8,8% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu chỉ tăng khoảng 1,9% so với cùng kỳ trong 9T2022.

Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu suy giảm ở cả nhóm doanh nghiệp FDI và nội địa. Cụ thể, xuất khẩu của khối FDI chỉ tăng 14,1% so với cùng kỳ trong tháng 9, còn khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng âm 1,6% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng nhập khẩu giảm tốc nhanh hơn cả tháng 7/2022, kim ngạch nhập khẩu của khối FDI chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ, trong khi đó, kim ngạch nhập khảu của khối trong nước tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Cán cân thương mại ghi nhận mức thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 9/2022, thấp hơn mức thặng dư 3,8 tỷ USD trong tháng trước. Lũy kế 9T2022, cán cân thương mại thặng dư 5,2 tỷ USD, so với mức thâm hụt 3,1 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021.

Hiệu ứng mức nền thấp sẽ không duy trì trong Q4/2022

Trong tháng 8/2022, sản phẩm điện tử vẫn đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu thì sang tháng 9/2022, nhóm hàng này ghi nhận mức tăng trưởng âm 2,2% so với cùng kỳ.

anh-chup-man-hinh-2022-10-18-luc-10.28.23.png

Hiệu ứng mức nền thấp tiếp tục ủng hộ đà tăng trưởng ở các mặt hàng như dệt may, da giày, túi xách (+43,5% so với cùng kỳ), nông, lâm nghiệp thủy sản (+18,0%) và sản phẩm gỗ (+57,0%).

Trong khi đó, tăng trưởng âm tiếp diễn ở nhóm sắt thép (-53,4% so với cùng kỳ), xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo khác lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng âm kể từ tháng 8/2021 (-4,4% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022).

Tính chung 9T2022, nhóm hàng dệt may, da giày, túi xách đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng xuất khẩu (4,7 điểm %), tiếp đến là hàng điện tử (4,4 điểm %) và máy móc thiết bị (3,3 điểm %).

Theo thị trường, hoạt động xuất khẩu theo tháng thể hiện sự sụt giảm ở tất cả các thị trường với mức độ khác nhau. Đơn cử như xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận tháng giảm liên tiếp thứ 3 với mức giảm trong tháng 9 khá mạnh, lên đến 18,5% so với tháng trước. Xuất khẩu sang Anh và Nhật Bản sụt giảm lần đầu tiên sau 3 tháng mở rộng liên tục. Xuất khẩu sang Trung Quốc gần tương đương tháng trước nhưng chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022.

Lũy kế 9T2022, Hoa Kỳ là thị trường có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng xuất khẩu chung (6,8 điểm %), và có khoảng cách khá xa so với đóng góp của các thị trường còn lại. Đóng góp lớn thứ hai và thứ ba vào tăng trưởng xuất khẩu chung lần lượt là EU (2,8 điểm %) và ASEAN (2,3 điểm %).

Diễn biến trong tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng và xu hướng theo tháng của các thị trường xuất khẩu chính đều đưa ra cảnh báo rằng hiệu ứng mức nền thấp khó duy trì khi nhìn vào triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng còn lại của năm 2022.

Đà suy giảm trong nhập khẩu nguyên vật liệu báo hiệu sự kém sắc trong xuất khẩu

anh-chup-man-hinh-2022-10-18-luc-10.30.27.png

Xu hướng nhập khẩu nguyên vật liệu củng cố nhận định về triển vọng xuất khẩu kém sắc trong quý 4/2022. Riêng trong tháng 9/2022, mức tăng chung của nhập khẩu phần lớn đến từ đóng góp của hoạt động nhập khẩu xăng dầu (3,2 điểm %), tiếp đến là nguyên liệu dệt may (1,6 điểm %) trong khi sự sụt giảm trong nhập khẩu nguyên liệu hàng điện tử khiến tăng trưởng nhập khẩu chung giảm 1,3 điểm %.

Các chuyên gia tại VDSC cũng lưu ý thêm rằng, nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ là nhờ hiệu ứng mức nền thấp khi nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày và túi xách bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt phong tỏa diễn ra vào quý 3/2021.

Lũy kế 9T2022, nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất hàng điện tử vẫn đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng nhập khẩu chung (4,6 điểm %), tiếp đến là xăng dầu (2,6 điểm %) và nguyên vật liệu dệt may (0,9 điểm %). Thị trường nhập khẩu chính vẫn là Trung Quốc (chiếm 33,1% tổng kim ngạch xuất khẩu 9T2022), tăng trưởng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Choáng váng nhìn giá vàng "rơi tự do", kịch bản nào cho những ngày còn lại năm 2022?

Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam giữ 'ngôi vương' toàn cầu trong hơn 20 năm, xuất khẩu 234 nghìn tấn trong 11 tháng

Xử lý nghiêm 'cò mồi' nhận đổi giấy phép lái xe

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-truong-thuong-mai-suy-yeu-manh-he-lo-su-kem-sac-trong-xuat-khau-trong-quy-42022-153949.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng trưởng thương mại suy yếu mạnh, hé lộ sự kém sắc trong xuất khẩu trong quý 4/2022?
    POWERED BY ONECMS & INTECH