Tập đoàn FLC giảm gần 13.000 tỷ đồng tài sản sau 2 năm biến cố

20-02-2024 19:06|Quốc Trung

Ngay đầu năm 2022, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC. Kể từ đây, hàng loạt câu chuyện bất lợi ập đến doanh nghiệp bất động sản này.

Tập đoàn FLC giảm gần 13.000 tỷ đồng tài sản sau 2 năm biến cố
Quang cảnh ĐHCĐ bất thường năm 2024 của Tập đoàn FLC

Ngày 20/2, CTCP Tập đoàn FLC đã tổ chức thành công ĐHCĐ bất thường năm 2024 với sự tham dự của 103 cổ đông (đại diện hơn 33,721% số cổ phần có quyền biểu quyết). Tại thời điểm 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, FLC ghi nhận khoảng 65.000 cổ đông.

Tại Đại hội, bên cạnh việc bầu bổ sung hai thành viên HĐQT, chuyển trụ sở chính khỏi tòa nhà Bamboo Airways (số 265, đường Cầu Giấy), thông tin đáng chú ý khác là chia sẻ về tình hình hoạt động, kế hoạch kinh doanh và cơ cấu doanh nghiệp của tập đoàn.

Năm 2024, FLC cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: Kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án.

>> FLC dự mang về hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản, du lịch trong năm 2024

Sau 2 năm biến cố, kể từ thời điểm ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT bán chui cổ phiếu FLC, bộ máy lãnh đạo thượng tầng biến động mạnh, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phía FLC cho biết đã tái khởi động, triển khai thi công tại các dự án trọng điểm như FLC Premier Parc, C4C5 Thanh Hóa, FLC Sầm Sơn, FLC Tropical...

Bên cạnh đó, tập đoàn có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm 6 dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình. Doanh nghiệp đã và đang tiếp cận nghiên cứu nhiều dự án, trải dài trên 20/63 tỉnh thành khắp cả nước trong đó tập trung triển khai một số dự án trọng điểm.

Tập đoàn cho biết đã điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, cân bằng tổ chức bộ máy và ổn định thu nhập cho hơn 3.500 cán bộ nhân viên trong thời gian qua. Đến thời điểm họp Đại hội bất thường 2024, FLC đang ghi nhận 14 công ty con và 1 công ty liên kết.

Về tình hình tài chính, kể từ quý IV/2022 tới nay, phía FLC vẫn chưa công bố bất cứ báo cáo quý nào; kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2022 và 2023 hiện vẫn là ẩn số.

Số liệu từ báo cáo gần nhất cho thấy, đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của tập đoàn ghi nhận hơn 36.200 tỷ đồng; nợ phải trả gần 28.300 tỷ (gấp hơn 3,5 lần vốn chủ sở hữu) trong đó có hơn 5.000 tỷ đồng vay nợ tài chính và 7.149 tỷ đồng khoản "người mua trả tiền trước ngắn hạn".

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của FLC còn chưa đến 200 tỷ.

Chia sẻ tại Đại hội, phía FLC thông tin đã thực hiện nộp ngân sách Nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.

Được biết, tổng giá trị tài sản hiện hữu của FLC ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. So với mức đỉnh điểm gần 38.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2020, con số hiện tại đã giảm khoảng 17.000 tỷ. So với thời điểm trước khi câu chuyện bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết xảy ra hồi đầu năm 2022, tài sản của FLC đã giảm 12.800 tỷ đồng.

Về phương án khắc phục cưỡng chế tạm dừng hoá đơn, ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT cho biết FLC đã trả được 800 tỷ đồng, còn phải trả khoảng 400 tỷ nghĩa vụ thuế. Hiện FLC đang tính đến phương án bán bớt tài sản để có nguồn tiền thực hiện nghĩa vụ này.

>> Vụ án Trịnh Văn Quyết: Thêm 22 cựu chủ tịch, tổng giám đốc, lãnh đạo công ty bị khởi tố, tạm giam

FLC dự mang về hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản, du lịch trong năm 2024

Thêm một cổ phiếu 'họ' FLC chính thức hủy niêm yết

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-flc-giam-gan-13000-ty-dong-tai-san-sau-2-nam-bien-co-223662.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tập đoàn FLC giảm gần 13.000 tỷ đồng tài sản sau 2 năm biến cố
    POWERED BY ONECMS & INTECH