Trước đó, Tập đoàn FLC nhận cùng lúc 20 quyết định cưỡng chế thuế với số tiền hơn 93 tỷ đồng.
Chi cục Trưởng Chi cục Thuế tỉnh Bình Định vừa đưa ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa của Tập đoàn FLC tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Nguyên nhân do FLC nợ thuế quá 90 ngày với số tiền hơn 133,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê đất là 114,7 tỷ đồng và tiền chậm nộp là 18,4 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 3/5/2024, FLC nhận cùng lúc 20 quyết định cưỡng chế thuế của Cục Thuế TP. Hà Nội bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Sau khi vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết xảy ra, thượng tầng FLC có nhiều biến động. Đến nay sau hơn 2 năm, doanh nghiệp chưa ra được báo cáo tài chính kiểm toán cho các năm 2021, 2022 và 2023.
Trong lần báo cáo công bố gần nhất vào quý III/2022, tổng tài sản FLC đạt hơn 36.200 tỷ đồng, trong đó số nợ phải trả lên đến 28.272 tỷ đồng, chiếm 78% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2022, tập đoàn vẫn ghi nhận số lỗ khủng hơn 1.888 tỷ đồng.
Như vậy, sau hơn 3 năm, hơn 65.000 cổ đông của FLC vẫn chưa thể nắm bắt được tình hình tài chính của tập đoàn. Bên cạnh đó, hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư vẫn bị mắc kẹt sau thời điểm gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết trên sàn HoSE và bị đình chỉ khi về UPCoM ngay sau đó.
Giám đốc FLC Sầm Sơn bị tạm hoãn xuất cảnh
Hiện trạng dự án 2.000 tỷ đồng đang dùng 'chăn thả trâu bò' mà FLC muốn 'hồi sinh'