Tập đoàn FLC thông tin tình hình kinh doanh 10 tháng năm 2024
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn tài chính, Tập đoàn FLC (Mã: FLC - UPCoM) đã chia sẻ tại ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 năm 2024 về kế hoạch tái cấu trúc toàn diện và nỗ lực vượt qua thách thức.
Hiện tại, Tập đoàn FLC đang đối mặt với khoản cưỡng chế thuế và hóa đơn lên tới 955 tỷ đồng, bao gồm: 98 tỷ đồng phát sinh từ hoạt động kinh doanh và 856 tỷ đồng liên quan đến thuế đất tại các dự án đầu tư.
Cảnh hoang tàn của một dự án lớn thuộc FLC tại tỉnh Quảng Bình |
Lãnh đạo FLC cho biết, các khoản nợ này đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp. Để giải quyết, tập đoàn đã triển khai phương án M&A các dự án nhằm tái cơ cấu nguồn vốn, ưu tiên thanh toán nợ thuế. Đồng thời, doanh nghiệp cam kết trả nợ đúng hạn, xem đây là khoản đầu tư dài hạn mang lại giá trị lớn cho các dự án tiềm năng.
FLC nhấn mạnh, việc giải quyết triệt để vấn đề nợ thuế không chỉ tháo gỡ khó khăn hiện tại mà còn tạo động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của cổ đông, khách hàng và các tổ chức tín dụng.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2024, lãnh đạo công ty thông tin, bất chấp khó khăn, FLC tiếp tục tập trung nguồn lực vào ba lĩnh vực cốt lõi: Bất động sản - phát triển các dự án trọng điểm; Du lịch nghỉ dưỡng - đẩy mạnh đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng chiến lược; M&A các dự án - tối ưu hóa nguồn vốn và gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Nhờ duy trì cam kết với khách hàng và tập trung vào các dự án trọng điểm, Tập đoàn FLC đạt nhiều kết quả khả quan. Một số dự án tiêu biểu đã và đang triển khai bao gồm: FLC Tropical 1 & 2; FLC Lavista Sa Đéc; Tòa nhà HH1-HH4 thuộc FLC Garden City Đại Mỗ; FLC Premier Parc; Biệt thự Hạ Long.
Trong quý IV/2024, FLC đặt mục tiêu hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đẩy nhanh tiến độ bàn giao các dự án lớn như FLC Lavista Sa Đéc, FLC Hilltop Gia Lai, FLC Garden City và Biệt thự Hạ Long. Dòng tiền từ khách hàng sẽ được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ thuế và các khoản nợ tài chính.
Trong năm 2025, tập đoàn sẽ tập trung vào ba chiến lược chính: (1) Mở rộng giao dịch bất động sản tại các dự án lớn như Quy Nhơn, Sầm Sơn và Quảng Bình nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định; (2) Đẩy mạnh M&A và tìm kiếm đối tác đầu tư, tối ưu hóa tài chính và phát triển bền vững; (3) Hoàn thiện cơ cấu tài chính, giải quyết các tồn đọng từ dự án cũ để củng cố vị thế trên thị trường.
Lãnh đạo Tập đoàn FLC khẳng định doanh nghiệp đang từng bước tái cấu trúc mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, đồng thời giữ vững cam kết với cổ đông và khách hàng. Với chiến lược dài hạn, FLC đặt mục tiêu phục hồi vị thế và hướng tới phát triển bền vững, mang lại giá trị tối đa cho các bên liên quan.
>> Lãnh đạo FLC: 'Mọi cổ đông đều có thể khiếu nại khi quyền của họ bị vi phạm'