Tàu vũ trụ 5 tỷ USD bắt đầu hành trình 5 năm khám phá mặt trăng của sao Mộc
Một tàu vũ trụ của NASA vừa được phóng lên để thực hiện nhiệm vụ khám phá mặt trăng Europa của sao Mộc và tìm hiểu xem liệu đại dương ẩn giấu rộng lớn ở đó có nắm giữ chìa khóa cho sự sống hay không.
Tàu vũ trụ Europa Clipper sẽ mất 5 năm rưỡi để lên sao Mộc, sau đó sẽ trượt vào quỹ đạo quanh hành tinh khí khổng lồ này để tiếp cận Europa.
Các nhà khoa học gần như chắc chắn rằng, có một đại dương sâu và rộng lớn tồn tại dưới lớp vỏ băng giá của Europa. Nơi nào có nước đều có tiềm năng hỗ trợ sự sống, vì thế Europa trở thành một trong những nơi hứa hẹn nhất để các nhà khoa học theo đuổi.
Europa Clipper sẽ không tìm kiếm sự sống vì nó không có thiết bị để làm điều đó. Nhiệm vụ của con tàu là phát hiện các thành phần cần thiết để duy trì sự sống, tìm kiếm các hợp chất hữu cơ và những manh mối khác khi nó khám phá phần phía dưới lớp băng.
SpaceX đã phóng Clipper bằng tên lửa Falcon Heavy từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, để con tàu thực hiện hành trình dài 3 tỷ kilomet.
Một giờ sau khi được phóng lên, con tàu tách khỏi tầng trên của tên lửa để tiếp tục hành trình.
Sứ mệnh trị giá 5,2 tỷ USD suýt chệch hướng vì thiết bị bán dẫn.
Mãi đến đầu năm nay NASA mới phát hiện ra các bóng bán dẫn của tàu Clipper có thể dễ bị tổn thương trong môi trường phóng xạ đậm đặc của sao Mộc hơn dự kiến. Clipper sẽ phải chịu lượng phóng xạ cao gấp vài triệu lần so với một lần chụp X-quang mỗi khi bay quang qua Europa, và nó sẽ phải bay qua hành tinh này 49 lần.
Cơ quan vũ trụ của Mỹ đã dành nhiều tháng để xem xét lại mọi thứ trước khi kết luận vào tháng 9 vừa qua rằng sứ mệnh có thể diễn ra theo đúng kế hoạch.
Bão Milton gây thêm lo lắng, khiến kế hoạch phóng chậm lại vài ngày.
Tàu thăm dò nặng gần 5.700 kg dự kiến sẽ đến hành tinh lớn nhất của hệ Mặt trời vào năm 2030. Clipper sẽ bay quanh Sao Mộc với chu kỳ 21 ngày để đến gần Europa. Europa là 1 trong số 95 mặt trăng của sao Mộc và có kích thước gần bằng Mặt trăng của Trái đất.
Sau khi đến được Europa, radar của con tàu dự kiến sẽ xuyên qua lớp băng của mặt trăng này, với độ dày 15 - 24km. Đại dương bên dưới có thể sâu ít nhất 120km.
Tàu vũ trụ Clipper được trang bị 9 thiết bị nghiên cứu, cất trong hộp kẽm và nhôm dày để chống bức xạ. Sứ mệnh thám hiểm sẽ kéo dài đến năm 2034.
Theo các nhà khoa học, nếu Europa có những điều kiện thuận lợi cho sự sống, điều đó sẽ mở ra khả năng tồn tại sự sống ở các thế giới đại dương khác trong hệ mặt trời của chúng ta và xa hơn nữa.
Với một đại dương ngầm và mạch nước phun, hành tinh Enceladus của sao Thổ là một ứng viên hàng đầu nữa.
>> NASA sẽ trao thưởng 3 triệu USD cho ý tưởng tái chế rác thải trong không gian