6 hành tinh sẽ cùng xếp hàng trên bầu trời trong đêm nay, người yêu thiên văn có thể quan sát bằng mắt thường
Trong đêm nay, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Kim và sao Thổ cùng xuất hiện trên bầu trời.
Giao hội hành tinh là một sự kiện thiên văn thủ vị mở màn năm 2025. Hiện tượng này, còn được gọi là diễu hành hành tinh xảy ra khi nhiều hành tinh trong hệ Mặt Trời đồng thời xuất hiện trên bầu trời đêm.
Vào đêm 21/1, sáu hành tinh kể trên sẽ cùng hiện diện. Người quan sát ở Bắc bán cầu có thể tiếp tục chiêm ngưỡng cảnh tượng này trong khoảng 4 tuần sau đó. Trong số đó, sao Hỏa, sao Kim, sao Mộc và sao Thổ có thể nhìn thấy bằng mắt thường, trong khi sao Hải Vương và sao Thiên Vương đòi hỏi thiết bị quan sát chuyên dụng như kính viễn vọng.
Mặc dù các hành tinh không xếp hàng hoàn toàn ngay ngắn như trên các biểu đồ hay hình minh họa về hệ Mặt Trời, chúng sẽ trông như thẳng hàng dọc theo một đường tưởng tượng. Điều này xảy ra do tất cả các hành tinh trong hệ Mặt Trời quay quanh Mặt Trời trên một mặt phẳng gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Một số quỹ đạo có độ nghiêng nhẹ so với mặt phẳng này, nhưng nhìn chung, các hành tinh vẫn duy trì vị trí gần như đồng mức, tương tự các rãnh trên đĩa than.
Hiện tượng này bắt nguồn từ cách các ngôi sao như Mặt Trời hình thành. Ban đầu, một ngôi sao sơ sinh ra đời trong một đám mây vật chất xoay tròn, tạo thành một đĩa phẳng xung quanh xích đạo của nó. Phần còn lại của đĩa này là nơi các hành tinh hình thành và quay quanh ngôi sao theo cùng một mặt phẳng, trừ khi chịu tác động từ lực hấp dẫn khác.
Trong hành trình di chuyển theo quỹ đạo, đôi lúc các hành tinh sẽ cùng hiện diện ở một phía của Mặt Trời, cho phép chúng ta quan sát chúng trên bầu trời cùng lúc. Đây chính là hiện tượng kỳ thú mà bạn có thể chứng kiến vào đêm 21/1.
Đáng chú ý, một sự kiện thiên văn ấn tượng khác sẽ diễn ra vào đêm 28/2. Lần này, bảy hành tinh gồm sao Thổ, sao Thủy, sao Hải Vương, sao Kim, sao Thiên Vương, sao Mộc và sao Hỏa sẽ đồng thời xuất hiện, mang đến một màn trình diễn thiên văn ngoạn mục trên bầu trời đêm.
>> Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2