Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của TCBS sẽ đạt hơn 2.100 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2022, Techcombank (TCB) sở hữu 88,8% vốn của TCBS.
Mới đây, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, theo tờ trình ngày 10/11, HĐQT TCBS đã có báo cáo về việc thay đổi phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. HĐQT đánh giá việc triển khai phương án chào bán chưa thực sự mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông và Công ty. Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn về vốn, Công ty trình cổ đông về việc dừng triển khai phương án chào bán đã được thông qua trước đó.
Thay vào đó, TCBS sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ 105 triệu cổ phiếu cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam -Techcombank (TCB) với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Giá chào bán dự kiến 95.600 đồng/cp. Số tiền thu được từ đợt chào bán hơn 10.000 tỷ đồng. Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng lên mức hơn 2.100 tỷ đồng.
Mục đích là để duy trì vị thế của Công ty trong các mảng cốt lõi gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư và quản lý tài sản. Đợt tăng vốn cũng nhằm đáp ứng kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng thị phần và số lượng khách hàng; nhu cầu khách hàng trong mảng kinh doanh giao dịch cổ phiếu và vay ký quỹ của Công ty thời gian tới. TCBS cũng tăng vốn nhằm đẩy mạnh hơn các mảng tự doanh cổ phiếu và trái phiếu. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công nghệ và khoa học dữ liệu.
Ngày 25/11, TCB sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến về việc mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của TCBS. Tính đến ngày 30/9/2022, TCB sở hữu 88,8% vốn của TCBS, tỷ lệ này dự kiến tăng lên mức 94,2% nếu Ngân hàng tham gia đợt chào bán kể trên.
Bên cạnh đó, TCBS đề xuất phê duyệt cấp quyền mua cổ phần cho các cán bộ quản lý cấp cao và thông qua kế hoạch cháo bán riêng lẻ cho cán bộ quản lý cấp cao của Công ty, giai đoạn 2023-2033.
Đồng thời, vì không dùng 112,3 tỷ đồng của quỹ dự trữ bổ sung điều lệ và 112,3 tỷ đồng của quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ để bổ sung vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu nên TCBS đề xuất chuyển số tiền từ hai quỹ này vào lợi nhuận chưa phân phối, tổng cộng gần 225 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, quý 3/2022, TCBS lãi sau thuế gần 580 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ do mảng môi giới và bảo lãnh phát hành kém tích cực trong bối cảnh thị trường biến động mạnh. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCBS thu về 2.193 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ.
TCBS tăng vốn điều lệ lên 9 lần, dẫn đầu ngành chứng khoán
Cổ phiếu REE và KBC được nhắm đầu tư nhờ sở hữu từ khóa 'sân bay Long Thành' và 'bầu cử Mỹ'