Temu bất ngờ dừng bán tại Việt Nam, Bộ Công Thương lên tiếng
Trường hợp đã thanh toán đơn hàng trên Temu mà chưa nhận được hàng, người tiêu dùng có thể hủy đơn hàng và yêu cầu hoàn tiền.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, vừa thông báo rằng sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam để hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng yêu cầu đại diện sàn Temu phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Theo quy định pháp luật, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, giao diện tiếng Việt hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch hàng năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam |
Tuy nhiên, từ tháng 10/2024, Temu vẫn cho phép người dùng tại Việt Nam tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán trên nền tảng với giao diện tiếng Việt, dù chưa được cấp phép. Trước tình hình này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã liên hệ và làm việc với Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu nền tảng Temu, yêu cầu tuân thủ quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP) về thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo yêu cầu của Cục, Temu đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm:
- Tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam: Temu đã dừng sử dụng tiếng Việt trên website Temu.com và ứng dụng di động, đồng thời ngừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Các phiên bản quốc tế bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
- Nộp hồ sơ đăng ký hoạt động: Công ty đã nộp hồ sơ qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn). Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hiện đang xem xét hồ sơ này theo quy định.
- Gỡ bỏ chương trình khuyến mại không hợp pháp: Toàn bộ các chương trình khuyến mại giảm giá trên 50% đã bị gỡ bỏ để tuân thủ Nghị định 81/2018/NĐ-CP về xúc tiến thương mại.
Trước đó, Bộ Công Thương đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký hoạt động để đảm bảo quyền lợi của mình. Đối với những trường hợp đã thanh toán đơn hàng trên Temu phiên bản tiếng Việt mà chưa nhận được hàng, người tiêu dùng có thể hủy đơn hàng và yêu cầu hoàn tiền.
>>Temu dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, người mua cần làm ngay 2 điều để bảo vệ quyền lợi
Temu dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, người mua cần làm ngay 2 điều để bảo vệ quyền lợi
Temu gây sốc thị trường về giá, vì sao Digiworld (DGW) không hề kiêng dè?