Temu gây sốc thị trường về giá, vì sao Digiworld (DGW) không hề kiêng dè?
Theo ông Đoàn Hồng Việt, Temu là nền tảng bán hàng xuyên biên giới, đang tung ra sản phẩm có mức giá “rất khủng bố”.
Ngày 5/11, CTCP Thế giới số (HoSE: DGW) đã tổ chức chương trình livestream “Tổng quan kết quả kinh doanh quý III/2024 và triển vọng cuối năm 2024”. Chương trình cập nhật kết quả kinh doanh tổng quan của Digiworld, giúp nhà đầu tư có góc nhìn rõ ràng để hoạch định đầu tư hiệu quả.
Trong phần giao lưu, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld, đã gây chú ý khi nhắc đến Temu, nền tảng thương mại điện tử làm mưa làm gió trên thị trường. Theo ông Việt, Temu bán các sản phẩm với các mức giá rẻ, tạo áp lực lớn cho nhiều tiểu thương. Tuy nhiên, ông khẳng định Digiworld không kiêng dè Temu nhờ chiến lược kinh doanh cốt lõi mà đối thủ không có.
Temu tạo sức ép lên các tiểu thương
Theo ông Đoàn Hồng Việt, Temu chủ yếu cạnh tranh với các nhà bán lẻ trực tuyến thông qua chiến lược bán hàng giá rẻ, đánh vào số lượng lớn và sản phẩm phổ thông.
"Họ sẽ phải tìm các sản phẩm độc đáo hơn để tồn tại, vì mô hình của Temu là bán sản phẩm phổ thông với số lượng cực lớn và mức giá rất thấp", ông chia sẻ.
Ông Việt nhấn mạnh việc Temu tập trung vào các đơn hàng dưới 1 triệu đồng, nằm trong ngưỡng miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành đối với hàng nhập qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Điều này giúp Temu duy trì giá cực thấp, tạo áp lực lớn lên nhiều tiểu thương Việt Nam vì sự cạnh tranh không cân bằng về thuế. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tạo sự công bằng về chính sách thuế giữa những người bán hàng nhập khẩu, bao gồm cả các nền tảng thương mại xuyên biên giới như Temu.
2 yếu tố khiến Digiworld không e ngại Temu
Cũng theo ông Đoàn Hồng Việt, Temu sẽ không tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của công ty vì: Digiworld kinh doanh các sản phẩm giá trị cao và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp – yếu tố cốt lõi mà doanh nghiệp đầu tư bài bản.
Thay vì chạy theo phân khúc giá rẻ, Digiworld tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại – nhóm khách hàng ngày càng chú trọng đến chất lượng và dịch vụ chăm sóc hậu mãi. Với hơn 16.000 điểm bán hàng phủ khắp cả nước, hệ thống hậu mãi rộng khắp đã trở thành bệ phóng giúp công ty mang đến trải nghiệm toàn diện cho khách hàng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 của Digiworld (DGW) |
Một trong những bước đi chiến lược giúp Digiworld khẳng định là nhà phân phối Top đầu thị trường là nâng tỷ lệ sở hữu tại B2X – công ty cung cấp dịch vụ bảo hành và hậu mãi thiết bị điện tử hàng đầu. Với việc sở hữu B2X, Digiworld đã mở rộng thêm hệ thống trung tâm bảo hành, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của khách hàng cho các thương hiệu lớn như Samsung, Xiaomi, Acer... Năng lực hậu mãi tăng cường không chỉ tạo ra trải nghiệm vượt trội cho khách hàng mà còn là yếu tố giúp Digiworld bứt phá trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các sàn thương mại điện tử giá rẻ.
Digiworld kỳ vọng quý IV/2024 kết quả kinh doanh của công ty sẽ bùng nổ |
Nhờ kiên định trong chiến lược kinh doanh, Digiworld báo lãi 122 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 19% so với cùng kỳ, đánh dấu quý có lợi nhuận cao nhất trong 7 quý, củng cố vị thế thương hiệu dẫn đầu trong ngành phân phối ICT tại Việt Nam.
Digiworld kỳ vọng quý IV/2024 công ty sẽ đạt mốc doanh thu 6.800 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 67%.
>> Đâu là lý do Digiworld (DGW) đi ngược chu kỳ bão hoà của ngành ICT, báo lãi cao nhất 7 quý?
Cổ phiếu Digiworld (DGW) tăng mạnh nhất ba tháng
Digiworld (DGW) tự tin doanh thu quý IV/2024 đạt 6.800 tỷ đồng, không lo ngại Temu