Tết đến gần: Làm sao vừa ‘giữ ví’ vừa giữ trọn niềm vui?
Với nhiều người trẻ, Tết không chỉ còn là thời gian tận hưởng mà đôi khi còn là bài toán khó về kinh tế
Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để gắn kết yêu thương mà còn mang theo nhiều áp lực tài chính, đòi hỏi sự tính toán và cân nhắc hợp lý để giữ trọn niềm vui đoàn tụ. Với nhiều người trẻ, Tết không chỉ còn là thời gian tận hưởng mà đôi khi còn là bài toán khó về kinh tế, từ phong tục lì xì, quà biếu đến việc mua sắm, trang hoàng nhà cửa.
Chi phí Tết và những nỗi lo không tên
Thanh Mai (1997, Quảng Bình), hiện làm việc tại TP.HCM, chia sẻ rằng chi phí Tết hằng năm của cô thường gồm tiền biếu bố mẹ, quà tặng họ hàng, mua sắm đồ dùng và lì xì. Là người độc thân, Mai dự trù khoảng 30 triệu đồng cho dịp này, tương đương một tháng lương. “Dù chưa lập gia đình, nhưng mình vẫn cảm thấy áp lực mỗi khi nghĩ đến các khoản chi cần thiết dịp Tết, đặc biệt là quà biếu bố mẹ và họ hàng”, Mai tâm sự.
Ngược lại, đối với vợ chồng trẻ như Quang Khải (1995, Hà Nội), áp lực chi tiêu Tết lớn hơn nhiều. Anh cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi phải chi ít nhất 50 triệu đồng cho Tết. Từ sắm thực phẩm, trang trí nhà cửa, đến quà biếu hai bên gia đình, mua quần áo cho con và lì xì họ hàng – khoản nào cũng không thể cắt giảm. Nếu không tính toán kỹ, rất dễ bị vượt ngân sách".
Tương tự, Hoàng Dung (1992, Thái Nguyên) cũng cảm thấy việc lì xì là một gánh nặng lớn. Với cô, khó khăn nhất là số lượng họ hàng đông, đặc biệt là các cháu nhỏ. “Dù chỉ lì xì một chút, nhưng cộng dồn lại cũng thành một khoản lớn. Không lì xì thì lo bị đánh giá keo kiệt, mà lì xì hết thì chi phí tăng vọt”, cô chia sẻ.
Không lì xì thì lo bị đánh giá keo kiệt, mà lì xì hết thì chi phí tăng vọt. Ảnh minh họa. |
Áp lực từ quà biếu và giá trị tình thân
Không chỉ lì xì, việc chọn quà biếu bố mẹ cũng là điều khiến nhiều người trẻ đau đầu. Minh Hằng (1995, Bắc Giang) chia sẻ rằng cô luôn muốn tặng bố mẹ những món quà ý nghĩa, nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng hài lòng. “Có lần mình mua máy mát xa cho mẹ, nhưng bà lại thấy lãng phí và ít sử dụng. Điều này khiến mình rất khó nghĩ mỗi dịp Tết”.
Còn với Quỳnh Chi (1996, Lào Cai), áp lực nằm ở việc cân đối giữa giá trị quà tặng và khả năng tài chính. “Mình muốn món quà Tết phải vừa ý nghĩa vừa thiết thực, nhưng điều đó thường khiến mình tiêu nhiều hơn dự định. Đôi khi mình cảm thấy việc chọn quà quan trọng hơn cả ý nghĩa của Tết”, Chi thổ lộ.
Giải pháp giảm áp lực tài chính dịp Tết
Ở Việt Nam, Tết không chỉ là dịp lễ mà còn là thời điểm thể hiện lòng biết ơn, tình cảm gia đình thông qua những món quà, phong bao lì xì. Tuy nhiên, áp lực tài chính từ những phong tục này đôi khi trở thành gánh nặng không cần thiết.
Một số người đã tìm cách giảm bớt gánh nặng bằng cách chi tiêu trong khả năng của mình, thay vì chạy theo những tiêu chuẩn đặt ra bởi xã hội. Thanh Mai chia sẻ: "Năm nay, mình sẽ không chi quá nhiều vào quà biếu, thay vào đó chọn những món quà vừa túi tiền nhưng vẫn mang ý nghĩa. Điều quan trọng nhất là sự chân thành, không phải giá trị vật chất".
Ngoài ra, việc dành thời gian bên gia đình cũng quan trọng hơn bất kỳ món quà nào. Hoàng Dung cho biết: "Dù tốn kém hay không, điều bố mẹ cần nhất vẫn là các con về nhà. Vì vậy, thay vì đặt nặng quà cáp, mình cố gắng ở lại bên gia đình lâu hơn và giúp bố mẹ chuẩn bị Tết".
Áp lực tài chính trong dịp Tết là điều khó tránh, nhưng thay vì lo lắng, hãy tập trung vào ý nghĩa thật sự của ngày Tết, nơi gắn kết và sẻ chia yêu thương. Tình cảm gia đình không nằm ở giá trị của những món quà đắt tiền hay phong bao lì xì dày cộm, mà ở sự chân thành và quan tâm dành cho nhau.
Những khoảnh khắc sum họp, những lời chúc từ trái tim, và thời gian bạn dành bên gia đình chính là món quà vô giá, không gì có thể thay thế. Tết không cần phải cầu kỳ hay hoành tráng, chỉ cần ngập tràn yêu thương là đã trọn vẹn ý nghĩa.
>> Mẫu phong bao lì xì đang được săn lùng nhất trong dịp Tết Ất Tỵ 2025