Thái Bình muốn có sân bay và đường sắt quốc gia
Theo quy hoạch năm 2030, Thái Bình đề xuất bổ sung một sân bay chuyên dụng nằm ven biển vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Tỉnh cũng sẽ xin mở tuyến đường sắt đi qua, thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.
Sáng 5/3, Thái Bình tổ chức hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, cho biết quy hoạch được phê duyệt mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh. Quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, đã cụ thể hóa khát vọng phát triển; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa tỉnh Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá. Năm 2050, tỉnh Thái Bình sẽ là 1 trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch xác định những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 3 đột phá phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế. Quy hoạch lần này mở ra không gian phát triển theo xu thế lấn biển để tạo đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái.
Bên cạnh đó, mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp-đô thị-dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển.
Trong quy hoạch, tỉnh Thái Bình sẽ xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình, lấy 2 bờ Trà Lý là điểm nhấn cho đô thị.
Đáng chú ý, năm 2030, Thái Bình sẽ đề xuất bổ sung một sân bay chuyên dụng nằm ven biển vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xin các cấp có thẩm quyền mở tuyến đường sắt đi qua, thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, quy hoạch tỉnh Thái Bình là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển của địa phương, thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp tháo gỡ các nút thắt, phân bổ hợp lý các nguồn lực và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế.
Nhìn lại thời gian qua, Thái Bình là tỉnh đang phát triển “nóng” về công nghiệp. Địa phương đã thu hút nhiều dự án FDI lớn, riêng trong năm 2023, số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Thái Bình đã đạt 3 tỷ USD. Lợi thế căn bản của Thái Bình chính là việc hình thành được khu kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nổi trội, có tính cạnh tranh cao, việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp cũng hết sức thuận lợi.
Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch cũng đặt Thái Bình trước thách thức mới. Phát triển nóng sẽ đòi hỏi hành lang pháp lý phải đảm bảo, nhiều tình huống có thể không kịp thời gian để tháo gỡ những vướng mắc cho chính thể chế. Do đó, địa phương phải lưu ý tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu.
Tại hội nghị, Thái Bình cũng trao chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận hợp tác cho 9 doanh nghiệp, với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Chuyển nhượng đất trái phép, nhiều cán bộ xã tại Thái Bình bị bắt
Thái Bình quy hoạch cảng biển ngoài khơi phục vụ trung tâm điện - khí LNG