Thân thế người được mệnh danh là 'bà tướng Việt Minh': Hậu duệ đời thứ 21 của nhà toán học Lương Thế Vinh, quân địch treo thưởng 2 vạn bạc Đông Dương để bắt cho bằng được

09-05-2024 15:04|Quỳnh Châu

Với thành tích xuất sắc, bà là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Bà Hà Thị Quế tên thật là Lương Thị Hồng, sinh tháng 8/1921 ở xã Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (nay là xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Bà là hậu duệ đời thứ 21 của Trạng nguyên, nhà toán học nổi tiếng Lương Thế Vinh.

Chân dung bà Hà Thị Quế. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Chân dung bà Hà Thị Quế. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Từ khi còn ở tuổi thiếu niên, bà Hà Thị Quế đã giúp đưa thư và báo, mời họp, dự những buổi học chữ, buổi nghe nói chuyện về truyền thống đấu tranh của dân tộc, về cách mạng Nga… Ý chí đấu tranh cho độc lập dân tộc của bà cũng bắt đầu nhen nhóm từ đó.

Năm 1941, bà được kết nạp Đảng và được điều về tỉnh Thái Bình tham gia Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Thái Bình, phụ trách hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải, đồng thời lo cả phong trào cho tỉnh Nam Định. Nhưng mảnh đất gắn với danh xưng “bà tướng Việt Minh” lừng lẫy là khi bà về hoạt động tại tỉnh Bắc Giang, tham gia Ban cán sự Đảng bộ tỉnh, phụ trách quân sự hai huyện Yên Thế, Việt Yên và một phần huyện Lạng Giang. Đó là khoảng tháng 7/1944.

Khi ấy, ở Yên Thế có tên tri phủ rất ngông nghênh. Hắn lớn tiếng rằng sẽ dập tắt hoạt động của Việt Minh tại đây bằng những cuộc càn quét, bắt bớ đẫm máu. Trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Thị Quế xin ý kiến của các đồng chí trong Ban cán sự, mở cuộc trấn áp tên tri phủ này và tiêu diệt đồn Yên Thế.

Sau khi tổ chức trinh sát kỹ địa hình, trận đánh được tiến hành dưới sự chỉ huy trực tiếp của nữ Tỉnh ủy viên Hà Thị Quế. Với 1 khẩu súng lục và 3 khẩu súng trường, còn lại là súng kíp, mã tấu và kiếm, ta phục kích ở 3 nơi chờ thời cơ hành động. Ngay khi tên tri phủ xuống xe đã bị lực lượng của ta bắn trúng đạn vào tay. Ta bắt luôn cả quân lính, sau đó lập tòa án nhân dân, trị tội tên tri phủ. Rồi đích thân bà Hà Thị Quế chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu, bao vây con đường chính của huyện, chiếm đồn Yên Thế. Huyền thoại “hai tay cầm hai súng, cưỡi ngựa cướp đồn Yên Thế” và danh xưng “bà tướng Việt Minh” có từ sau sự kiện này.

Khẩu súng lục ST - ÉTIENNE của bà Hà Thị Quế. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Khẩu súng lục ST - ÉTIENNE của bà Hà Thị Quế. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bà Hà Thị Quế cũng rất có tài chỉ huy vũ trang. Đầu tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, bọn phỉ hoành hành rất dữ ở Yên Thế. Bà đã chỉ huy lực lượng tự vệ, bắt những tên cướp rồi công khai lập nên tòa án nhân dân xử tử 3 tên tướng cướp ở các vùng: Bố Hạ, Yên Lý, Cao Thượng. Sau lần đó, tiếng tăm đánh phỉ, bắt cướp của bà nổi khắp địa phương.

Trong dân chúng ở vùng Yên Thế thời đó xuất hiện câu nói truyền miệng về bà Quế: “Đây là người đàn bà nhà Giời nên rất giỏi, nhảy qua nóc nhà, phi ngựa như bay, hai tay hai súng bắn trăm phát trăm trúng”. Ngày đó, phát xít Nhật phát cho do thám hình ảnh nữ tướng Hà Thị Quế của Việt Minh, đặt giải 2 vạn bạc Đông Dương để bắt bà cho bằng được nhưng cuối cùng chúng vẫn thất bại.

Với thành tích lớn như vậy, bà Hà Thị Quế là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra tại đình Tân Trào (Tuyên Quang) vào chiều 16/8/1945. Để ghi nhớ chiến công dũng cảm vô song và đầy mưu lược của “Nữ tướng Việt Minh” trước Cách mạng tháng Tám, tại chùa Nam Thiên (thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang) hiện có tấm bia lớn khắc đậm nét hai câu:

“Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế,

Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”.

Ngay sau khi dự xong hội nghị và trở lại Bắc Giang vào ngày 17/8, bà cùng ban lãnh đạo Cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Lạng Thương. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn thắng lợi. Cùng với nhân dân cả nước trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử này, bà Hà Thị Quế và Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân Bắc Giang đập tan xiềng xích nô lệ, góp phần đưa đất nước sang kỷ nguyên độc lập.

Ngay sau khi cách mạng thành công, bà Hà Thị Quế được cử vào Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Bắc Giang và đảm nhận nhiều trọng trách: Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách lực lượng quân sự toàn tỉnh, đồng thời vẫn phụ trách 2 huyện Yên Thế và Việt Yên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Hà Thị Quế tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (năm 1995). Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp/Báo QĐND

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Hà Thị Quế tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (năm 1995). Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp/Báo QĐND

Tháng 11/1046, Trung ương điều bà về Bắc Ninh làm Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách 2 huyện Gia Lâm, Thuận Thành. Cuối năm 1947, bà được bầu làm Bí thư Phụ nữ Liên khu 10. Cuối năm 1949, bà được đều về Phụ nữ Trung ương phụ trách các mặt công tác của Hội như kiểm tra, công tác phong trào cách mạng, nghiên cứu…

Năm 1953, bà được cử làm trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế Thế giới bảo vệ thiếu nhi ở Áo. Năm 1960, bà được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kiểm tra của Đảng và được bầu làm Phó Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam một năm sau đó.

Bà Hà Thị Quế được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội liên tiếp 5 khóa từ khóa II ngày 8/5/1960 đến hết khóa VI ngày 28/4/1981. Với 21 năm trong Quốc hội, ở cương vị Ủy viên Ban công tác nông thôn (khóa II), Phó ban kiểm tra Trung ương (khóa III và khóa IV) rồi Ủy viên Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách Quốc hội (khóa V và khóa VI), bà đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một Quốc hội liêm chính, đoàn kết và vững mạnh.

Từ trái sang phải: bà Nguyễn Thị Thập, bà Nguyễn Thị Định, bà Hà Thị Quế và bà Lê Thị Xuyến tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ V, năm 1982. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Từ trái sang phải: bà Nguyễn Thị Thập, bà Nguyễn Thị Định, bà Hà Thị Quế và bà Lê Thị Xuyến tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ V, năm 1982. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Sau khi đất nước thống nhất, để thực hiện chủ trương thống nhất các đoàn thể nhân dân và mặt trận 2 miền, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Hợp nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam diễn ra tại TP. HCM, lấy tên chung là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và bà Hà Thị Quế được bầu là Chủ tịch. Bà nghỉ hưu năm 1984 và mất năm 2012.

Tham khảo:

- “Bà tướng Việt Minh” - Báo QĐND

- Nhớ bà Hà Thị Quế! - Báo Nhân Dân

- Chuyện về 'Nữ tướng Việt Minh' Hà Thị Quế - Báo Đại Đoàn Kết

- Nữ tướng vùng Yên Thế - Tạp chí Tri Thức

>> Thân thế vị nữ Trung tướng duy nhất của QĐND Việt Nam, là người nghiên cứu phương pháp lọc màng bụng tại nhà cho bệnh nhân suy thận

Vị tướng dân tộc Tày là Tham mưu trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hai lần xung phong Nam tiến, từng được điều động làm Phó giám đốc Học viện Quốc phòng

Vị Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng LLVTND được đích thân Bác Hồ đặt tên: 27 tuổi được phong Đại tá, người thầy của nhiều thế hệ tướng lĩnh quân đội

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/than-the-nguoi-duoc-menh-danh-la-ba-tuong-viet-minh-hau-due-doi-thu-21-cua-nha-toan-hoc-luong-the-vinh-quan-dich-treo-thuong-2-van-bac-dong-duong-de-bat-cho-bang-duoc-d122233.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thân thế người được mệnh danh là 'bà tướng Việt Minh': Hậu duệ đời thứ 21 của nhà toán học Lương Thế Vinh, quân địch treo thưởng 2 vạn bạc Đông Dương để bắt cho bằng được
    POWERED BY ONECMS & INTECH