Thân thế vị nữ Trung tướng duy nhất của QĐND Việt Nam, là người nghiên cứu phương pháp lọc màng bụng tại nhà cho bệnh nhân suy thận

26-04-2024 15:45|Quỳnh Như

Nói về bà, nhiều người nhận định đó là một nữ tướng rất kiên định, khi đã vạch ra con đường nào thì nhất định sẽ đi dù khó khăn đến đâu.

Tính đến thời điểm hiện tại, người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Trung tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thu Hà.

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Lê Thu Hà. Ảnh: Báo QĐND

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Lê Thu Hà. Ảnh: Báo QĐND

Bà sinh năm 1957, trong một gia đình quân nhân cách mạng, mẹ là bác sĩ quân y công tác ở Bệnh viện 108 (nay đã nghỉ hưu), cha bà là Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cùng thời với Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Nam Khánh... Đặc biệt hơn, chồng bà cũng là một vị tướng, Thiếu tướng Vũ Huy Nùng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y.

Bác sĩ Lê Thu Hà (bìa trái) và cha là Trung Tướng Lê Hai cùng bà nội và mẹ, bác sĩ Mạc Thị Phúc. Ảnh tư liệu/Báo CAND

Bác sĩ Lê Thu Hà (bìa trái) và cha là Trung Tướng Lê Hai cùng bà nội và mẹ, bác sĩ Mạc Thị Phúc. Ảnh tư liệu/Báo CAND

Từ nhỏ, bà Hà thường theo mẹ đến bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, với nghề y. Học xong cấp ba, bà thi vào Học viện Quân y và trở thành một trong những học viên xuất sắc được ở lại trường. Sau 10 năm công tác tại học viện, bà được cử đi nghiên cứu sinh tại Bulgaria. Năm 1996, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y khoa, bà về nước công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nói về bà, nhiều người nhận định đó là một nữ tướng rất kiên định, khi đã vạch ra con đường nào thì nhất định sẽ đi dù khó khăn đến đâu.

Công trình khoa học mà bà tâm đắc là đề tài hợp tác quốc tế theo nghị định thư với Ấn Độ về lọc màng bụng ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối năm 2004.

Khi đó, bà Lê Thu Hà còn là Chủ nhiệm khoa Thận - Khớp. Thời điểm này, trong Quân đội, chỉ Bệnh viện 108 ở Hà Nội và Bệnh viện Quân y 175 TP. HCM có máy lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn. Bệnh nhân là quân nhân ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương khác nhau đều phải tập trung về Hà Nội để lọc máu.

Cuộc sống của người bệnh rất khó khăn buộc phải gắn liền với bệnh viện, xa gia đình, đơn vị. Có nhiều bệnh nhân trong nhiều năm đã không thể về nhà ăn Tết.

Bà Hà cùng các cộng sự đã đề xuất phương pháp để bệnh nhân có thể tự lọc máu tại nhà, không phải đến bệnh viện thường xuyên. Khi bắt đầu thực hiện đề tài này, bà và nhóm cộng sự đối diện với rất nhiều khó khăn. Nhiều người phản đối vì phương pháp lâu nay làm rất đơn giản: bệnh nhân đến, bác sĩ chỉ việc cắm máy, lắp dây vào lọc máu cho bệnh nhân; máy tự chạy, sau hai tiếng là xong rồi hẹn ngày đến lọc tiếp.

Phương pháp mới lại làm mọi thứ phức tạp hơn: phải huấn luyện đào tạo để bệnh nhân hiểu, làm đúng; phải đến nhà cấp dịch cho bệnh nhân hằng tháng; phải kiểm tra, theo dõi xem có bị tai biến gì không... Y bác sĩ phải vất vả hơn. Phương pháp mới này chỉ có mỗi lợi ích là bệnh nhân được về nhà, không phải nằm viện.

Trung tướng Lê Thu Hà (áo trắng, bên phải) cùng các đồng nghiệp khám và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trung tướng Lê Thu Hà (áo trắng, bên phải) cùng các đồng nghiệp khám và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Nhiều cộng sự với bà Hà kể rằng không cam tâm để công trình mình và các cộng sự tâm huyết đi vào ngõ cụt, bà Hà tìm cách trình bày mọi việc với Thiếu tướng Chu Tiến Cường (Cục trưởng Cục Quân y - Bộ Quốc phòng) và kiên trì thuyết phục ông.

Cho tới nay, đã gần 20 năm, lọc màng bụng đã thành phương pháp thường quy tại Bệnh viện 108. Từ thành công của đề tài này, năm 2011, bà Lê Thu Hà và các cộng sự đã được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng "Phụ nữ sáng tạo".

Con đường sự nghiệp của vị nữ tướng Lê Thu Hà tưởng chừng như một con đường bằng phẳng nhưng thực tế, đó là hơn hàng chục năm miệt mài nghiên cứu và phấn đấu gian khổ. Bà từng tâm sự trên Báo Tiền Phong: “Mỗi thành công trong sự nghiệp của người phụ nữ là không đơn giản. Trong gia đình, thiên chức phụ nữ phải vẹn toàn, lại vẫn tiếp tục phấn đấu cống hiến cho công việc được giao. Để có được những thành công người phụ nữ phải nỗ lực phấn đấu, hi sinh vất vả hơn nam giới rất nhiều”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thu Hà tại lễ trao quyết định bổ nhiệm. Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thu Hà tại lễ trao quyết định bổ nhiệm. Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Năm 2007, bà được phong Phó Giáo sư. Sau khi được thăng quân hàm Thiếu tướng vào năm 2009 và trở thành nữ tướng thứ 3 trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, bà lần lượt trải qua các chức vụ Phó giám đốc, rồi Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Năm 2014, bà vinh dự được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Trung tướng, trở thành nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cuối tháng 12/2017, Trung tướng Lê Thu Hà đã nhận quyết định nghỉ hưu. Đến năm 2020, bà trở thành Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria TP. Hà Nội.

Tham khảo:

- Nữ tướng thời bình - Báo Tiền Phong

- Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 3: Nữ trung tướng đầu tiên - Báo Tuổi Trẻ

- Nữ trung tướng duy nhất của quân đội Việt Nam là ai? - Báo VnExpress

>> Thân thế nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam từng trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong 5 năm, giữ tới chức Phó cục trưởng cục Cảnh vệ

Vị tướng quân đội đặc biệt nhất: Từ anh Binh nhì đến Thượng tướng ở tuổi 40, được tuyên dương là Anh hùng LLVT Nhân dân khi mới 26 tuổi, từng tham gia 67 trận quyết tử

Vị tướng duy nhất của QĐND Việt Nam hy sinh ở chiến trường nước ngoài, là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện được phong Anh hùng LLVT Nhân dân

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/than-the-vi-nu-trung-tuong-duy-nhat-cua-qdnd-viet-nam-la-nguoi-nghien-cuu-phuong-phap-loc-mang-bung-tai-nha-cho-benh-nhan-suy-than-d121418.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thân thế vị nữ Trung tướng duy nhất của QĐND Việt Nam, là người nghiên cứu phương pháp lọc màng bụng tại nhà cho bệnh nhân suy thận
    POWERED BY ONECMS & INTECH