Nhờ có vị trí thuận lợi, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo ngay từ thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 5/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II.
Theo đó, công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính) đạt tiêu chí đô thị loại II (phạm vi 120,9km2) gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Nam Định hiện hữu và huyện Mỹ Lộc hiện hữu; gồm 36 đơn vị hành chính cấp xã.
Khu vực nội thị dự kiến có diện tích là 56,38km2 gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường. Khu vực ngoại thị dự kiến có diện tích là 64,52km2, gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận).
Thành phố Nam Định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh, có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với vùng thủ đô Hà Nội, là trung tâm của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Đây là thành phố cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước cả Phố Hiến và Hội An, nay đã hơn 760 tuổi.
Nhờ có vị trí thuận lợi, Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo ngay từ thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho đô thị Nam Định sau này.
Trong suốt thời kỳ lịch sử, vùng đất này đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định. Danh xưng Nam Định chính thức có từ năm 1822, gọi là trấn Nam Định; đến năm 1831 gọi là tỉnh Nam Định dưới thời vua Minh Mạng.
Năm 1921, người Pháp quy hoạch lại và ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định, một trong số những thành phố được lập ra đầu tiên ở Liên bang Đông Dương. Trong quá trình phát triển, thành phố từng là thủ phủ của ngành công nghiệp dệt, là đô thị lớn thứ ba ở miền Bắc sau thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Nếu Hà Nội xưa có 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng có 40 phố cổ. Địa phương cũng được mệnh danh là vùng “đất học" của cả nước.
Khi nhắc đến Nam Định là nhắc tới những địa điểm văn hoá, du lịch nổi tiếng. Tất cả đã tạo cho Thành Nam một dáng vẻ quyến rũ trong mắt mọi người.
Đền Trần
Đây là một quần thể đền thờ nằm ở đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, ngoại ô thành phố. Đền là nơi thờ cúng các vua Trần cùng quan lại có công phù tá. Ngày nay, đây là nơi chiêm bái của các tín đồ hành hương và du khách cả nước.
Rằm tháng Giêng là thời điểm đông khách thập phương ghé thăm nơi này nhất, vì tham gia lễ Khai Ấn nổi tiếng. Sự kiện này diễn ra từ đêm 14 tháng Giêng Âm lịch, với nghi thức dâng hương, rước kiệu với nghi thức khai ấn là quan trọng nhất. Đoàn rước đến đền Thiên Trường đúng giờ Tý (23h).
Nghi thức này bắt nguồn từ năm 1239, tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công, cầu mong cho thiên hạ thái bình, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần "Tích phúc vô cương".
Vương cung thánh đường Phú Nhai
Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Phú Nhai (hay còn gọi là nhà thờ Phú Nhai, đền thánh Phú Nhai) là tên gọi của một nhà thờ Công giáo Rôma thuộc Giáo phận Bùi Chu. Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Xuân Trường hơn 1km. Đây là một trong những ngôi nhà thờ có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam.
Bãi tắm Thịnh Long
Thịnh Long là một bãi tắm mới đưa vào khai thác du lịch vài năm gần đây. Nơi đây có cát mịn, trải dài hàng cây số. Nước biển có độ mặn cao, sóng lớn hấp dẫn nhiều du khách trong mùa hè oi bức.
Đối với du khách miền Bắc, đặc biệt là người dân thủ đô Hà Nội, cái tên Thịnh Long không còn xa lạ mỗi dịp hè về. Bởi lẽ, nơi đây chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 150km, khoảng cách gần so với nhiều bãi biển khu vực miền Bắc.
Chẳng những thế, Thịnh Long vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ hơn hẳn so với bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò... vì không có cái nóng oi nồng của gió Lào. Do thiên nhiên ưu đãi nên thức ăn ở đây luôn tươi, ngon, giá cả rẻ.
Chùa Cổ Lễ
Chùa là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Nam Định nói riêng và của nền văn hóa châu thổ sông Hồng nói chung. Đây là một ngôi chùa cổ xuất hiện từ thời nhà Lý, có tên tự là chùa Thần Quang, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Trải qua quá trình tôn tạo trùng tu, chùa có dáng vẻ, sắc thái riêng; trong đó đặc biệt nổi bật là phong cảnh kiến trúc độc đáo, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”.
Chùa Phổ Minh (chùa Tháp)
Đây là công trình kiến trúc duy nhất thuộc Hành cung Thiên Trường xưa còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nam Định, chùa có từ thời Lý, mở rộng năm 1262 và phục vụ nhu cầu lễ Phật của Thái thượng hoàng, các thân vương quý tộc thời Trần.
Ngoài thờ Phật, chùa có tượng thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp sư Huyền Quang, Phổ Loa - những người sáng lập ra trường phái Trúc Lâm.