Tháp Chăm cao nhất ở Đông Nam Á tại Bình Định được ‘rót’ hơn 90 tỷ đồng để trùng tu
Điểm nhấn của tháp này không chỉ nằm ở chiều cao vượt trội mà còn ở nét kiến trúc độc đáo.
Dẫn thông tin từ báo Tiền Phong, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho công trình di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Dương Long.
Dự án được giao cho Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đồng thời, dự án nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài, ngăn ngừa nguy cơ xuống cấp, hư hỏng và đổ vỡ nghiêm trọng theo thời gian. Tháp Dương Long cũng sẽ tiếp tục là không gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của cộng đồng.
Công tác tu bổ tập trung vào việc phục hồi tháp Nam và tháp Giữa từ độ cao 12m trở xuống, bao gồm toàn bộ các mặt ở bốn hướng. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các ngành liên quan, thực hiện khảo cổ và khai quật trên diện tích 9.150m2, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như Sở Xây dựng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định |
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Bình Định, với thời gian thực hiện đến hết năm 2025.
Tháp Dương Long nằm tại xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là di tích quốc gia đặc biệt, được xem là cụm tháp gạch cao nhất Đông Nam Á. Cụm tháp bao gồm ba tháp: Tháp Giữa cao 39m, tháp Nam cao 33m, tháp Bắc cao 32m.
Cụm tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 với thân tháp làm từ gạch, còn các góc tháp được trang trí bằng những khối đá lớn chạm khắc tinh xảo.
Điểm nhấn của tháp Dương Long không chỉ nằm ở chiều cao vượt trội – cao nhất trong các tháp Chăm còn lại tại Việt Nam – mà còn ở nét kiến trúc độc đáo. Những hoa văn, họa tiết được chạm khắc trực tiếp trên các khối đá đồ sộ ở đỉnh tháp, kết hợp vẻ đẹp hoành tráng với sự mềm mại, tinh tế.
Nghệ thuật điêu khắc tại Dương Long thể hiện sự sống động và huyền bí qua các hình ảnh con vật, họa tiết trang trí, phản ánh đỉnh cao của văn hóa Chăm Pa.
Sắp đại trùng tu Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn sau hàng trăm năm tồn tại
Huyện ngoại thành Hà Nội đấu giá thành công 200 lô đất, giá trúng từ 7,9 triệu đồng/m2