Thất thoát thế hệ vàng: 1,35 triệu thanh niên Việt đang 'mất kết nối'
Hơn 1,35 triệu thanh niên Việt Nam đang nằm ngoài cả hệ thống giáo dục, đào tạo lẫn thị trường lao động.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê, trong quý I/2025, có khoảng 1,35 triệu người trong độ tuổi 15-24 tại Việt Nam không đi học, không đi làm và cũng không tham gia bất kỳ hoạt động đào tạo nào. Con số này tương đương với 11,7% dân số thanh niên – một tỷ lệ đáng báo động.
Đáng chú ý, tình trạng này phổ biến hơn ở khu vực nông thôn với tỷ lệ 11,7%, so với 8,2% ở khu vực thành thị. Nữ giới cũng chiếm tỷ lệ cao hơn trong nhóm thanh niên “ba không” so với nam giới, phản ánh những rào cản giới tính đang âm thầm kéo lùi cơ hội phát triển của nhiều người trẻ.
Đây không chỉ là những con số đơn thuần, mà là biểu hiện của sự lệch pha giữa cung và cầu lao động, cũng như lỗ hổng trong hệ thống định hướng nghề nghiệp và giáo dục kỹ năng cho giới trẻ.
Bức tranh tổng thể của thị trường lao động trong quý I/2025 cho thấy nhiều điểm sáng. Cả nước có khoảng 52,9 triệu người trong độ tuổi lao động, tăng hơn 520.000 người so với cùng kỳ năm trước, dù giảm nhẹ so với quý IV/2024.
Số người có việc làm đạt 51,9 triệu – một con số tích cực, cho thấy nền kinh tế vẫn đang tạo ra cơ hội việc làm trong bối cảnh nhiều biến động. Trong đó, khu vực thành thị có khoảng 20 triệu lao động, còn nông thôn chiếm ưu thế với 31,8 triệu người.
![]() |
Rất nhiều người trẻ hiện không học tập cũng không lao động. Ảnh minh họa |
>> Tin vui cho những lao động đang thất nghiệp, quý II/2025 với loạt công việc đang ‘khát’ nhân lực
Cơ cấu ngành nghề cũng ghi nhận sự dịch chuyển hợp lý. Ngành dịch vụ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 21,1 triệu người (chiếm 40,7%), theo sau là công nghiệp và xây dựng (33,3%) và cuối cùng là nông, lâm, thủy sản (26%).
Mặc dù vậy, lực lượng lao động phi chính thức vẫn ở mức cao, với 33,4 triệu người – phản ánh một thị trường lao động chưa thực sự ổn định và thiếu tính bảo đảm lâu dài.
Một điểm đáng ghi nhận là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đã tăng nhẹ 0,2% so với quý trước. Đây là tín hiệu cho thấy chất lượng nguồn nhân lực đang từng bước được cải thiện, dù tốc độ còn chậm.
Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động cũng được cải thiện rõ rệt, phản ánh hiệu quả trong phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, sự cải thiện này chưa đủ để lấp đầy khoảng trống của nhóm thanh niên “ngoài vùng phủ sóng” – những người không có việc làm, không học và không đào tạo.
Một chỉ số đáng quan tâm khác là tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng, tức những người làm việc dưới trình độ, làm bán thời gian không tự nguyện, hoặc sẵn sàng làm việc nhưng không có cơ hội. Trong quý I/2025, tỷ lệ này ở mức 3,9%, tương đương khoảng 2,05 triệu người – con số này đang ở mức ổn định sau khi từng đạt đỉnh 10,4% vào quý IV/2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Điều đáng nói là gần 47% trong số lao động không được khai thác hết tiềm năng này nằm trong nhóm tuổi từ 15-34 – nghĩa là vẫn còn một bộ phận lớn người trẻ chưa được tận dụng đúng mức.