Hàng trăm nghìn lao động tại nước láng giềng Việt Nam có nguy cơ mất việc, chuyện gì đang xảy ra?
Các công đoàn cảnh báo rằng nếu Campuchia không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhiều công nhân có thể phải chấp nhận hợp đồng ngắn hạn, mất việc hoặc buộc phải ra nước ngoài tìm việc.
Ngành dệt may - lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Campuchia - đang đối mặt với nguy cơ tụt dốc mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu mới lên tới 49%.
Trong khi các chủ nhà máy có thể tìm cách cắt giảm chi phí, hàng trăm nghìn lao động có thể phải đối mặt với các lựa chọn khắc nghiệt: Chấp nhận hợp đồng ngắn hạn với ít quyền lợi hơn, mất việc hoặc rời đất nước để tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Ngành dệt may chiếm khoảng một phần ba kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu năm ngoái đạt 9,9 tỷ USD – tương đương gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Ngược lại, Campuchia chỉ nhập khẩu khoảng 264 triệu USD hàng hóa từ Mỹ, theo số liệu từ Cơ quan hải quan nước này.
Mặc dù tác động của chính sách thuế mới chưa diễn ra ngay lập tức do các thương hiệu thời trang thường đặt hàng trước từ 6 đến 12 tháng, giới chuyên gia cảnh báo rằng một khi đơn hàng chuyển sang các quốc gia khác, hậu quả đối với nhà máy và người lao động Campuchia sẽ rất nghiêm trọng.
“Nếu các ông chủ không còn được hưởng lợi từ ưu đãi thương mại, họ sẽ đổ gánh nặng lên chúng tôi”, Lounh Veasna, công nhân tại nhà máy Xinyongsheng ở Phnom Penh chia sẻ.
So với các nước châu Á khác, Campuchia bị ảnh hưởng nặng nề hơn do phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ. Hơn một nửa giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Campuchia là hàng may mặc, giày dép và đồ du lịch – lĩnh vực chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 900.000 lao động.

Thỏa thuận thương mại song phương về dệt may giữa Mỹ và Campuchia được thiết lập từ năm 1999, không chỉ nhằm tận dụng chi phí lao động thấp mà còn khuyến khích cải thiện điều kiện làm việc tại quốc gia đang phát triển này.
“Nếu mức thuế được áp dụng, người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Koem Sophen, đại diện công đoàn tại nhà máy Zhen Tai chuyên sản xuất quần jeans Levi’s nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho rằng Campuchia sẽ khó có cơ hội cạnh tranh. “Tính trên quy mô toàn cầu, sản lượng của Campuchia không chiếm tỷ trọng lớn. Các thương hiệu có thể linh hoạt chuyển đơn hàng đi nơi khác”, ông Khun Tharo, điều phối viên của tổ chức Central, cho biết.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, Campuchia là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tám thế giới vào năm 2023, chiếm 1,6% thị phần toàn cầu.

Để thích nghi với mức thuế mới, nhiều nhà máy có thể quay lại biện pháp từng áp dụng trong đại dịch Covid-19: Cắt giảm phúc lợi và chuyển công nhân chính thức sang hình thức hợp đồng tạm thời, theo bà Yang Sophorn, Chủ tịch Liên minh Công đoàn Dệt may Campuchia (CATU). Một số công nhân chia sẻ họ hiện chỉ ký hợp đồng theo quý, thậm chí theo ngày.
“Người bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là công nhân trong nhà máy, tiếp đến là các đối tượng hưởng lợi gián tiếp như người thân, người bán hàng gần nhà máy, và nhân viên phục vụ”, bà Sophorn nhận định.
Với mức lương cơ bản hàng tháng chỉ khoảng 208 USD, ông Sophen – người đã gắn bó với Zhen Tai suốt 15 năm – nói rằng thu nhập chỉ đủ chi tiêu gia đình, không có khoản tiết kiệm nào.
Bà Sophorn cho rằng nếu lương và phúc lợi tiếp tục bị cắt giảm, nhiều lao động sẽ buộc phải rời bỏ quê hương. “Tôi có thể nói không còn lựa chọn nào khác. Những người có điều kiện sẽ chọn di cư hoặc tìm việc ở nơi khác”, bà nhấn mạnh.
Trong khi Campuchia phải đối mặt với mức thuế 49% tương tự như Việt Nam và Lào, các nước như Thái Lan và Philippines được áp mức thấp hơn – lần lượt là 36% và 17%. Hiện có khoảng 1,3 triệu người Campuchia làm việc ở nước ngoài, phần lớn tại Thái Lan.
Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may, Giày dép và Đồ du lịch Campuchia kêu gọi công nhân, các chủ nhà máy và người dân “giữ bình tĩnh” và chờ đợi diễn biến tiếp theo trong các cuộc đàm phán giữa Campuchia và chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư cho Tổng thống Trump, đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với 19 mặt hàng Mỹ từ 35% xuống 5%. Động thái này được các chuyên gia đánh giá là phản ứng nhanh chóng, song chưa chắc đủ sức thuyết phục chính quyền Mỹ.
Ông Khun Tharo lưu ý rằng các nước láng giềng như Thái Lan đã áp thuế 0% với một số mặt hàng Mỹ, thể hiện nỗ lực mạnh mẽ hơn trong đàm phán thương mại. Dù vậy, các tín hiệu từ Nhà Trắng cho thấy ít khả năng chính quyền Tổng thống Trump sẽ nhượng bộ, ngay cả khi các quốc gia khác chấp nhận giảm thuế và mở cửa thị trường hơn nữa.
Trong khi chờ đợi kết quả, nhiều công nhân ở khu công nghiệp dọc đại lộ Veng Sreng – trung tâm sản xuất của Phnom Penh – cho biết họ không thể làm gì ngoài việc sống “ngày nào hay ngày đó”.
>> Thương mại Mỹ - Trung va chạm: Cú sốc kép có thể 'đánh sập' nền kinh tế 115.000 tỷ USD?