Thầy giáo nêu lý do trường học không thể xóa bỏ hội phụ huynh
Có ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy cô sẽ yên tâm tập trung cho giáo dục, không tham gia vào việc thu chi tiền bạc nên giữ được uy tín và dễ thành công trong giảng dạy.
Mỗi dịp đầu năm học, vai trò của ban đại diện phụ huynh luôn trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cha mẹ học sinh và giáo viên. Liệu Ban phụ huynh có thực sự đại diện cho tiếng nói của phụ huynh và làm đúng vai trò, nhiệm vụ của mình?
Diễn đàn Vai trò của Ban đại diện phụ huynh trong nhà trường do chuyên mục Giáo dục của VietNamNet mong muốn lắng nghe ý kiến, chia sẻ và đóng góp từ chính các bậc phụ huynh, giáo viên và những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà để xây dựng giải pháp thực tiễn cho vấn đề này.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của một giáo viên lâu năm tại tỉnh Đồng Tháp.
Gần đây, trên các diễn đàn xã hội xuất hiện ý kiến cho rằng không cần tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh ở các lớp, hay nặng nề hơn là kết luận ban đại diện này chỉ làm mỗi việc thu tiền rồi chuyển giao cho nhà trường sử dụng. Là một thầy giáo có mấy mươi năm trong nghề và liên tục làm công tác chủ nhiệm, tôi nhận thấy các ý kiến trên nên được xem xét lại.
Quê tôi là một tỉnh miền Tây, trường tôi dạy nhiều năm không phải trường trọng điểm của ngành giáo dục địa phương nên sự đầu tư chưa bằng một số trường khác. Thế nhưng hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường tôi luôn được đánh giá cao trong việc hỗ trợ công tác giáo dục, phát triển cơ sở vật chất, giúp trường không phải trông chờ vào ngân sách.
Đầu tiên, trường tôi (và có lẽ cả nhiều trường bạn) không chủ trương cơ cấu vào ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp, trường những thành viên có địa vị xã hội cao hay người nắm giữ các doanh nghiệp lớn ở địa phương.
Thành viên ban đại diện phải là người có tâm huyết với giáo dục, hết lòng vì học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học hoặc sa vào tệ nạn xã hội, bồi dưỡng học sinh giỏi, khi nhà trường cần hỗ trợ thì có mặt đề xuất cách giải quyết cụ thể, lâu dài chứ không chỉ là gửi một khoản tiền hay hiện vật gì đó rồi thôi.
Địa phương tôi vẫn còn học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc bỏ học dễ xảy ra. Thầy cô chủ nhiệm quá nhiều công việc đầu năm nên muốn đạt hiệu quả trong việc đưa trẻ đến trường, không thể không nhờ đến ban phụ huynh.
Thành viên của ban đại diện từng lớp phân chia nhau hoạt động theo địa bàn cư trú nên nắm chắc hoàn cảnh gia đình học sinh, dễ tiếp cận và có biện pháp giúp đỡ, không để học sinh bỏ học. Chính sách miễn giảm học phí, tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, hỗ trợ trang phục, tập sách... cho học sinh được giải quyết ngay những ngày đầu tiên của năm học và tiếp tục lâu dài qua việc cấp học bổng, tặng nhu yếu phẩm, phương tiện đi lại. Thành viên ban đại diện có thể tác động tốt đến gia đình học sinh hơn là thầy cô chủ nhiệm khi có mối quan hệ dòng tộc, hàng xóm lâu đời với nhau, hiểu rõ tính nết, khó khăn, mặt mạnh, yếu để có cách giải quyết phù hợp.
Trường chúng tôi không có việc lập sổ vàng ủng hộ tiền bạc khi họp phụ huynh đầu năm hay tặng quà cho thầy cô nhân dịp lễ Tết, mọi hoạt động đều tuân thủ quy định của ngành giáo dục, thầy cô không tham gia vào việc tài chính của ban đại diện.
Khi học sinh gặp khó khăn, thầy cô chủ nhiệm sẽ bàn bạc với ban đại diện để giải quyết thấu đáo. Lớp nào học sinh thiếu trang phục, tập sách... thầy cô chủ nhiệm bàn với ban đại diện là được khắc phục ngay. Các thầy cô không phải đứng ra kêu gọi hay trực tiếp giải quyết nên đỡ mất thời gian lại tránh điều tiếng vì liên quan đến tiền bạc.
Mùa lũ, để đảm bảo an toàn cho học sinh, ban phụ huynh một số trường còn đứng ra tổ chức đưa rước học sinh đi về miễn phí bằng ghe, xuồng của cá nhân, giúp nhà trường bảo đảm sĩ số, chống bỏ học và giữ an toàn cho học sinh.
Khi cần kinh phí hoạt động để học sinh vượt khó khăn hay khen thưởng các em có thành tích tốt, ban đại diện tự vận động, chi xuất kinh phí, quyết toán minh bạch, không có việc nhà trường hay thầy cô chủ nhiệm tự ý chi tiêu, càng không sử dụng kinh phí này cho khen thưởng thầy cô. Ngày lễ, Tết, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm chăm sóc qua những phần quà nghĩa tình.
Nhờ những điều trên, hoạt động của ban đại diện luôn đạt hiệu quả cao; làn sóng bỏ học ở địa phương được ngăn chặn, tỉ lệ trẻ đến trường bảo đảm đúng quy định. Việc hoạt động của ban đại diện lớp có thành công hay không là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng công tâm giữa thầy cô chủ nhiệm và ban đại diện.
Tôi cũng từng tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp con tôi học. Kinh nghiệm cho thấy người thầy càng tránh xa việc thu chi tiền bạc của cha mẹ học sinh càng giữ được uy tín, dễ thành công trong giảng dạy.
Trong những trường hợp có liên quan đến hạnh kiểm học sinh như đánh nhau tệ nạn xã hội, thầy cô chủ nhiệm nên phối hợp cùng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường tiếp cận gia đình, cá nhân học sinh để tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả sự việc, từ đó có cách giải quyết hợp lý, không đơn phương sử dụng biện pháp hành chính như hạ hạnh kiểm, buộc dừng học hay các biện pháp trấn áp tinh thần khác.
Tôi từng nhờ đến ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để cùng vận động các học sinh nữ bỏ nhà ra đi vì xung đột với cha mẹ hay bị kẻ xấu dụ dỗ. May mắn mọi việc đều thành công. Chính bằng tấm lòng yêu mến trẻ như con em của mình, nhờ tâm huyết với hoạt động giáo dục của nhà trường từ các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi và nhiều đồng nghiệp khác luôn hoàn thành tốt việc giảng dạy và giáo dục học sinh.
Ban đại diện học sinh lớp, trường là không thể thiếu trong hoạt động giáo dục.
Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp)