The Pearl Riverside đang được rao bán rộng rãi nhưng ít ai biết 57 căn nhà tại đây mới được chủ đầu tư cầm cố tại TPBank. Trong khi đó, nhà phát triển dự án là Seaholding lại chứng kiến lợi nhuận “bốc hơi” 94,3%.
57 căn nhà bị cầm cố
The Pearl Riverside được giới thiệu là dự án dành cho giới thượng lưu khi được đặt ở vị trí thơ mộng bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Với địa thế 2 mặt giáp sông, The Pearl Riverside là khu compound vượng khí sinh tài.
Dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 4,63ha với 250 căn nhà phố ven sông. Mỗi căn có diện tích khuôn viên rộng thoáng từ 96m2 đến hơn 199m2, 1 trệt 2 lầu, 4 phòng ngủ, sân vườn, sân thượng, sân đậu xe. Giá mỗi căn từ 3,5 tỷ đồng trở lên.
Đáng chú ý, chủ đầu tư đã dành ra 751,96m2 cho trường học, 312,09m2 cho Clubhouse và hồ bơi, 878,24m2 cho Thương mại dịch vụ và 5954m2 cho Công viên xanh nhằm đảo bảo chế độ an sinh và đáp ứng nhu cầu sống của cư dân tương lai một cách tốt nhất.
Dự án có chủ đầu tư là Công ty cổ phần Pan Bến Lức. Công ty cổ phần bất động sản Seaholdings (Tập đoàn Seaholdings) đóng vai trò nhà phát triển dự án.
Tuy nhiên, ít ai biết, một phần của dự án đã bị chủ đầu tư mang đi thế chấp tại ngân hàng. Cụ thể, vào ngày 18/2/2022, Công ty Pan Bến Lức đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh TP.HCM.
Theo đó, tài sản đảm bảo là “Hoa lợi; lợi tức, khoản phải thu, quyền nhận được số tiền bảo hiểm, khoản phí thu được, hoặc các lợi ích khác thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc từ việc đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý, phát triển dự án phát sinh từ 57 căn nhà thuộc dự án khu dân cư The Pearl Riverside tại thửa đất số 1659, tờ bản đồ số 3, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An”.
Chủ đầu tư bấp bênh, nhà phát triển “bốc hơi” 94,3%
Trong khi 57 căn nhà tại The Pearl Riverside đã bị mang đi cầm cố tại ngân hàng, dự án còn chứng kiến chủ đầu tư kinh doanh bấp bênh, còn nhà phát triển “bốc hơi” lợi nhuận.
Cụ thể, Công ty cổ phần Pan Bến Lức thành lập ngày 12/11/2011 với người đại diện pháp luật là ông Dương Quang Tiến. Đã có hơn 1 thập niên hoạt động nhưng tình hình của Pan Bến Lức khá bấp bênh, doanh thu biến động không ổn định.
Năm 2018, doanh thu tại Pan Bến Lức chỉ đạt 180 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 235 tỷ đồng của năm 2017 nhưng vẫn còn cao gấp bội so với 0 đồng của năm 2019 và 2020. Tới 2021, chỉ tiêu này bất ngờ leo thẳng lên 548 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Pan Bến Lức rất khiêm tốn, chỉ đạt 473 triệu đồng (năm 2017), 363 triệu đồng (năm 2018) và 0 triệu đồng (năm 2019). Năm 2020, công ty lỗ 58,2 triệu đồng. Tới 2021, Pan Bến Lức bất ngờ lãi 11,8 tỷ đồng sau khi doanh thu lập kỷ lục.
Nhưng đáng chú ý hơn cả chính là sự “lao dốc” về cả doanh thu và lợi nhuận của nhà phát triển Seaholdings.
Năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ còn 38,6 tỷ đồng, giảm 537,4 tỷ đồng, tương đương 93,3% so với năm 2020. Kết quả là lợi nhuận sau thuế giảm 21,7 tỷ đồng, tương đương 94,3% xuống 1,3 tỷ đồng.
Không chỉ lợi nhuận “lao dốc”, tổng tài sản của Seaholdings cũng giảm 20 tỷ đồng, tương đương 9,8% xuống chỉ còn 184 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 4,1 tỷ đồng, giảm sâu so với con số 18,4 tỷ đồng của năm 2020.
Dòng tiền vào thấp hơn tiền chi ra nên công ty rơi vào tình trạng âm dòng tiền. Tại ngày 31/12/2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty là âm 7,1 tỷ đồng.
Cũng giống như Công ty Pan Bến Lức, Seaholdings có bức tranh tài chính khá bấp bênh. Lợi nhuận sau thuế năm 2019, 2018 và 217 rất thấp, chỉ đạt 128 triệu đồng, 7,1 triệu đồng và 1,9 tỷ đồng. Thậm chí, trước đó, trong năm 2016, công ty còn thua lỗ 703 triệu đồng.