Lượng giao dịch condotel, biệt thự, nhà phố, shophouse tại các thủ phủ du lịch biển tiếp tục đà sụt giảm mạnh và chưa tìm thấy hướng phục hồi trong nửa đầu năm 2021.
BĐS nghỉ dưỡng lao đao
Chia sẻ mới đây về hoạt động của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, đại diện DKRA Việt Nam cho biết, trước bối cảnh phong tỏa, giãn cách ở nhiều tỉnh thành do tác động của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, thanh khoản phân khúc này tiếp tục lao dốc.
Cụ thể, trong tháng 7/2021, loại hình condotel không có dự án mới nào được mở bán và thanh khoản thị trường bằng 0, thấp nhất kể từ tháng 3 năm trở lại đây. Riêng loại hình nhà phố, shophouse biển dù ghi nhận thêm 26 sản phẩm mới rao bán nhưng tỷ lệ tiêu thụ đạt chưa đến 3% so với tháng 6 trước đó.
Loại hình nghỉ dưỡng duy nhất có nguồn cung được xem dồi dào trong tháng vừa qua là biệt thự biển tuy ghi nhận 4 dự án mở bán với 179 căn nhưng cũng chỉ bán được 21 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 12%. Đây là lượng tiêu thụ kém nhất trong các quý vừa qua. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng. Trong tháng 7 hầu như tất cả phân khúc đều giảm tốc mạnh nhất so với đầu năm.
Trước đó, trong quý 2/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến đà hồi phục của thị trường này. Condotel và biệt thự biển đều đang ghi nhận lượng tồn kho lớn, nhiều dự án đóng giỏ hàng không phát sinh giao dịch. Sức tiêu thụ của phân khúc biệt thự biển phía Nam chỉ đạt 25%. Nhiều dự án không phát sinh giao dịch với 81% nguồn cung toàn thị trường đang ở trạng thái tồn kho.
Tại sự kiện công bố trực tuyến báo cáo thị trường BĐS quý 2/2021 của Batdongsan.com.vn, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát nhận định, BĐS nghỉ dưỡng tuy là phân khúc thu hút dòng vốn ngoại nhưng nội tại nhu cầu trong nước đang ảnh hưởng lớn. Covid-19 đã dạy cho nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng bài học cay đắng. Người Việt luôn ưu tiên lựa chọn sự đầu tư an toàn, thời gian qua BĐS nghỉ dưỡng lại chỉ ra quá nhiều rủi ro nên phân khúc này sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn trong thời gian tới. Trong 6 tháng cuối năm, BĐS nghỉ dưỡng nhiều khả năng tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh chưa có chiều hướng thuyên giảm. Tác động tiêu cực từ kinh tế chung đang khiến nhà đầu tư nặng tâm lý phòng thủ, tồn kho BĐS nghỉ dưỡng nguy cơ tiếp tục tăng cao trong quý tới.
Chờ vaccine giải cứu thị trường
Không giống như các đợt bùng phát trước đây, làn sóng Covid-19 lần thứ tư là đợt dịch lớn nhất và phức tạp nhất tại Việt Nam đã tác động mạnh đến nhiều ngành nghề, trong đó, BĐS nghỉ dưỡng kiệt quệ do hụt đà hồi phục mùa cao điểm du lịch trong nước. Nhiều chuyên gia dự báo BĐS nghỉ dưỡng chỉ còn một kỳ vọng lách qua khe cửa thoát hiểm bằng chiến dịch vaccine thần tốc và áp dụng hộ chiếu vaccine để phục hồi thị trường đang khủng hoảng.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết, rất khó để dự đoán bức tranh ngành du lịch từ nay đến cuối năm 2021 vì khả năng hồi phục của thị trường khách quốc tế vẫn là một câu hỏi lớn. Tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường, do vậy sẽ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương và các loại hình BĐS. Với BĐS nghỉ dưỡng, khả năng phục hồi phải trông chờ vào chiến dịch vaccine. Yếu tố then chốt là cần phải triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng và hiệu quả nhằm mới có thể đẩy nhanh quáy trình khôi phục hoạt động du lịch của ngành này một cách an toàn và ổn định hơn trong thời gian tới.
Dữ liệu nghiên cứu từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, tại nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao, đạt miễn dịch cộng đồng, thị trường BĐS đang từng bước hồi phục. Chẳng hạn như các quốc gia ở châu Âu, Mỹ nơi có tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 50%, giá trị BĐS tăng từ 7-11% trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, cửa thoát hiểm cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng là chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả, kinh tế phục hồi và tâm lý người dân sẵn sàng trở lại với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Số lượng người dân được tiêm vaccine phải đạt tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi trên 70% để tạo tiền đề cho việc thúc đẩy giao thương nhờ hộ chiếu vaccine. Cần phải hội đủ cùng lúc các điều kiện này ngành nghỉ dưỡng mới có thể tái khởi động.
Tuy nhiên ông Tuấn cũng cho rằng, mục tiêu này khó thực hiện sớm trong các tháng tới đây khi mà số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước vẫn ở mức cao. “Thị trường nghỉ dưỡng sẽ còn phải mất ít nhất 2-3 quý nữa để bắt được nhịp phục hồi. Nền kinh tế cần có thời gian phục hồi và sớm nhất là hết quý 2/2022 mới đi vào ổn định trở lại. Thời điểm tình hình kinh doanh đi vào ổn định, khắc phục sự đứt gãy kinh doanh do Covid-19 gây ra, BĐS nghỉ dưỡng mới có cơ hội chuyển mình theo đó. Bên cạnh đó, thị trường cũng cần những nguồn cung mới với chất lượng tốt được tung ra để kích thích lực cầu. Nguồn cung mới giúp cho thị trường sôi động và tạo ra sự thanh khoản cho các dự án cũ”, ông Tuấn cho hay.